Từ ngày 01/01/2024, trường hợp nào không cần đáp ứng điều kiện mà vẫn được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 29/03/2023

Từ ngày 01/01/2024, trường hợp nào không cần đáp ứng điều kiện mà vẫn được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam? Mong được tư vấn.

    • Từ ngày 01/01/2024, trường hợp nào không cần đáp ứng điều kiện mà vẫn được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam?

      Tại khoản 2 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ 01/01/2024) có quy định về các trường hợp không cần đáp ứng điều kiện hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:

      Điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh

      1. Cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

      a) Có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực;

      b) Đã đăng ký hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này;

      c) Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 21 của Luật này;

      d) Có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

      đ) Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

      2. Cá nhân được khám bệnh, chữa bệnh mà không cần đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

      a) Học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề;

      b) Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hoặc nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động và sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

      c) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 115 của Luật này;

      d) Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.

      ...

      Như vậy, trường hợp được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam mà không cần đáp ứng điều kiện bao gồm:

      - Học viên, sinh viên, học sinh đang học tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, người đang trong thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề, người đang trong thời gian chờ cấp giấy phép hành nghề và chỉ được khám bệnh, chữa bệnh dưới sự giám sát của người hành nghề;

      - Nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản hoặc nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động và sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo theo nội dung chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

      - Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 115 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023;

      - Các đối tượng khác tham gia vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.

      *Lưu ý: Trường hợp được phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh tại Việt Nam không cần đáp ứng điều kiện sẽ không áp dụng cho việc hành nghề khám, chữa bệnh phải có đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và thuộc trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

      Từ ngày 01/01/2024, trường hợp nào không cần đáp ứng điều kiện mà vẫn được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam? (Hình từ Internet)

      Trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh những hành vi nào được xem là bị nghiêm cấm?

      Tại Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định các trường hợp hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như sau:

      (1) Xâm phạm quyền của người bệnh.

      (2) Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 của Luật này.

      (3) Khám bệnh, chữa bệnh mà không đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật này.

      (4) Khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi hành nghề hoặc phạm vi hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo huy động, điều động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

      (5) Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngoài thời gian, địa điểm đã đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là đăng ký hành nghề), trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.

      (6) Không tuân thủ quy định về chuyên môn kỹ thuật; áp dụng phương pháp, kỹ thuật chuyên môn, sử dụng thiết bị y tế chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

      (7) Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh.

      (8) Có hành vi nhũng nhiễu trong khám bệnh, chữa bệnh.

      (9) Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

      (10) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh hoặc lập hồ sơ bệnh án giả hoặc lập hồ sơ bệnh án và các giấy tờ khống khác về kết quả khám bệnh, chữa bệnh.

      (11) Người hành nghề bán thuốc dưới mọi hình thức, trừ các trường hợp sau đây:

      - Bác sỹ y học cổ truyền, y sỹ y học cổ truyền, lương y bán thuốc cổ truyền;

      - Người có bài thuốc gia truyền bán thuốc theo bài thuốc gia truyền thuộc quyền sở hữu của mình đã được đăng ký.

      (12) Sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, ma túy, thuốc lá tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc trong khi khám bệnh, chữa bệnh.

      (13) Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong khám bệnh, chữa bệnh.

      (14) Từ chối tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 47 của Luật này.

      (15) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      - Không có giấy phép hoạt động;

      - Đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động;

      - Không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, trừ trường hợp cấp cứu hoặc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

      (16) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.

      (17) Lợi dụng hình ảnh, tư cách của người hành nghề để phát ngôn, tuyên truyền, khuyến khích người bệnh sử dụng phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chưa được công nhận.

      (18) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc phá hoại, hủy hoại tài sản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

      (19) Ngăn cản người bệnh thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện bắt buộc chữa bệnh đối với người không thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.

      (20) Quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh.

      (21) Đăng tải các thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra sự cố y khoa mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

      Trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thì cá nhân nào phải liên tục cập nhật kiên thức y khoa?

      Tại khoản 1 Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) quy định những người phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục như sau:

      Cập nhật kiến thức y khoa liên tục

      1. Người hành nghề thuộc một trong các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng có trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với phạm vi hành nghề.

      2. Các hình thức cập nhật kiến thức y khoa liên tục bao gồm:

      a) Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, hội nghị, hội thảo về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề;

      b) Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tài liệu chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh;

      c) Thực hiện các nghiên cứu khoa học, giảng dạy về y khoa thuộc phạm vi hành nghề;

      d) Tự cập nhật kiến thức y khoa và các hình thức khác.

      3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tạo điều kiện để người hành nghề được cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

      4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết Điều này.

      Như vậy, người hành nghề khám bệnh chữa bệnh phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với phạm vi hành nghề bao gồm: bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn