Cách tính ngày theo quy định của văn bản pháp luật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/09/2016

Gần đây, trên các văn bản pháp luật thường sử dụng “ngày” để quy định thời hạn khi nói về hiệu lực một văn bản pháp luật hoặc trách nhiệm phải thực hiện một công việc giữa một cơ quan hoặc công dân với một cơ quan hoặc công dân khác. Ví dụ: - Khi nói về thời điểm hiệu lực văn bản thường ghi: quy định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký ...; - Khi nói về trách nhiệm thực hiện một công việc thì ghi: tổ chức ... có trách nhiệm cấp sổ ... trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ ... vv... Vậy, “ngày” ghi trong các văn bản này là ngày gì: ngày theo lịch hay ngày làm việc? Theo tôi được biết, “ngày theo lịch” là thời hạn được tính theo lịch chính thức do Nhà nước phát hành (dương lịch), bao gồm cả ngày nghỉ (thứ 7, chủ nhật, ngày Lễ); còn “ngày làm việc” thì không bao gồm những ngày nghỉ. Theo cách hiểu thông thường thì viết “ngày” như trong các văn bản pháp luật hiện nay được hiểu là “ngày theo lịch”. Tuy nhiên trong thực tế giao dịch dân sự hiện hành thì “ngày” này được vận dụng khác nhau, và các cơ quan Nhà nước thường vận dụng theo “ngày làm việc” khi phải giải quyết thủ tục cho công dân. Điều này gây không ít rắc rối trong quan hệ giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với công dân. Mong nhận được hướng dẫn về nội dung trên.

    • Về vấn đề mà bạn nêu, cần phải tách bạch rõ cách quy định về thời gian để tính thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật và cách quy định về thời gian để tính thời hạn thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

      1. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 78 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:

      “Điều 78. Thời điểm có hiệu lực và việc đăng Công báo văn bản quy phạm pháp luật

      1. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

      Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định các biện pháp thi hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh thì có thể có hiệu lực kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành nhưng phải được đăng ngay trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi chung là Công báo) chậm nhất sau hai ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành…”.

      Như vậy, trong trường hợp tính thời gian để xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì Luật đã quy định rõ là thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày, có nghĩa là ngày theo lịch như cách hiểu của bạn mà không phải là ngày làm việc.

      2. Về cách quy định thời gian để tính thời hạn thực hiện quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này mà vấn đề này được quy định trong từng văn bản chuyên ngành cụ thể. Tùy từng văn bản quy phạm pháp luật, nếu trong văn bản đó quy định rõ là “ngày” hay “ngày làm việc” thì cách tính thời gian sẽ theo quy định của văn bản đó. Thông thường, đa số các văn bản đều quy định là “ngày làm việc”.

      Ví dụ, Điều 32 của Luật Khiếu nại quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp”. Theo đó, thời hạn được tính ở đây là theo ngày làm việc.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn