Có bắt buộc phải đến làm việc khi công an gửi giấy mời

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/09/2016

Tôi liên quan một vụ án hình sự và công an gửi giấy mới đến làm việc. Tuy nhiên, thời gian hẹn trùng với chuyến công tác quan trọng của tôi. Nếu tôi không đến có vi phạm pháp luật không?

    • Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

      Tuy nhiên như trình bày, bạn là người có liên quan đến một vụ án hình sự và cơ quan công an đã gửi giấy mời đến phối hợp cung cấp thông tin để điều tra vụ án thì bạn cần đến để hợp tác điều tra vụ việc. Trong trường hợp bạn không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan công an. Trong thời gian gần nhất bạn cần đến cơ quan công an đã gửi giấy mời để phối hợp cùng cơ quan này làm rõ vụ việc, cũng như nắm được mình có liên quan như thế nào trong vụ án.
      Bạn cũng cần lưu ý, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ tố tụng (bắt buộc) đối với các đối tượng sau:
      - Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát (theo khoản 3 Điều 49).
      - Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (theo khoản 3 Điều 50).
      - Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (theo Điều 51).
      - Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (theo khoản 3 Điều 52).
      - Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. (theo khoản 3 Điều 53).
      - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (theo khoản 2 Điều 54).
      - Người làm chứng: người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án (theo khoản 4 Điều 55).
      Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra, viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải (theo khoản 1 Điều 134).

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn