Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng không? Nhà ở duy nhất có được kê biên để thi hành án?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 14/03/2022

Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng không? Nhà ở duy nhất có được kê biên để thi hành án? Tài sản kê biên không bán được thì trả lại cho người phải thi hành án?

    • Có được kê biên tài sản đang thế chấp tại ngân hàng không?

      Liên quan đến pháp luật thi hành án dân sự thì đối với vụ án về trả nợ vay đã có bản án hiệu lực pháp luật thì người, cơ quan có thẩm quyền được phép kê biên tài sản đang thế chấp không?

      Trả lời:

      Căn cứ Điều 90 Luật thi hành án dân sự 2008' onclick="vbclick('14115', '361431');" target='_blank'>Điều 90 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp như sau:

      1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

      2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

      Như vậy, trong trường hợp mà người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang thế chấp theo quy định trên.

      Nhà ở duy nhất có được kê biên để thi hành án?

      Năm 2018, vợ chồng tôi vay tiền làm ăn bị thua lỗ không có tiền trả nợ nên bị chủ nợ kiện ra tòa đòi tiền. Tòa án buộc vợ chồng tôi phải trả khoản nợ khoảng 2 tỉ đồng và cơ quan thi hành án cho vợ chồng tôi 10 ngày để tự nguyện thi hành. Họ còn cho biết nếu hết thời gian này mà vợ chồng tôi không trả nợ thì họ sẽ kê biên bán căn nhà của chúng tôi để thi hành án. Đây là căn nhà duy nhất mà gia đình tôi đang ở thì họ có quyền kê biên hay không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi, chân thành cảm ơn rất nhiều

      Trả lời:

      Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 và Khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án dân sự 2008 thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày (kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án). Hết thời hạn 10 ngày mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

      Đồng thời, việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án.

      Và theo quy định tại Khoản 1 Điều 95 Luật thi hành án dân sự 2008 thì:

      Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

      Như vậy, cơ quan thi hành án có quyền kê biên căn nhà duy nhất của Anh/Chị nơi Anh/Chị đang ở để thi hành án nếu Anh/Chị không có tài sản nào khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án.

      Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

      Tài sản kê biên không bán được thì trả lại cho người phải thi hành án?

      Tài sản kê biên và đưa ra bán đấu giá nhưng không có ai mua mặc dù giảm giá nhiều lần thì trả lại cho người phải thi hành án đúng không ạ?

      Trả lời:

      Theo quy định tại Luật thi hành án dân sự 2008 thì tài sản kê biên để thi hành án dân sự có thể được bán theo các hình thức bán đấu giá; hoặc bán không qua thủ tục đấu giá.

      Trong đó, việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện.

      Đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá.

      Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

      Thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên để thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

      Trường hợp tài sản kê biên và đưa ra bán đấu giá để thi hành án dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật nhưng không có ai mua mặc dù giảm giá nhiều lần thì tài sản kê biên sẽ xử lý như sau:

      - Trường hợp thứ nhất: Người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

      Từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

      Nếu trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết.

      Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo về việc người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để thi hành án, nếu người phải thi hành án không nộp đủ số tiền thi hành án và chi phí thi hành án để lấy lại tài sản đưa ra bán đấu giá thì Chấp hành viên giao tài sản cho người được thi hành án. Đối với tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên ra quyết định giao tài sản cho người được thi hành án để làm thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó cho người được thi hành án. Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người được thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.

      - Trường hợp thứ hai: Người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

      Nếu người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá theo quy định pháp luật.

      Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào số tiền được thi hành án thì khi đó, tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng.

      Khi được giao lại tài sản kê biên để quản lý, sử dụng, thì người phải thi hành án không được đưa tài sản này tham gia các giao dịch dân sự cho đến khi họ thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án.

      Lưu ý: Nếu tài sản kê biên bán đấu gia để thi hành nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước thì Chấp hành viên quyết định giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản mà không giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán đấu giá liền kề trước đó.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn