Người phạm tội nhiều bằng khen có được hưởng án treo không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 28/11/2022

Người phạm tội nhiều bằng khen có được hưởng án treo không? Mức xử phạt đối với người đang chấp hành án treo rời nơi cư trú mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền như thế nào? Toà án không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thì có phải đi tù không?

Chồng tôi hoạt động trong cơ quan, có nhiều thành tích, nhiều bằng khen. trong quá trình làm việc không may xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm hình sự. Cho tôi hỏi chồng tôi có nhiều bằng khen trong hoạt động làm việc, trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày thì có được girm hưởng án treo hay không? Xin cảm ơn!

    • Người phạm tội nhiều bằng khen có được hưởng án treo không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Người phạm tội nhiều bằng khen có được hưởng án treo không?

      Căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP, điều kiện được hưởng án treo đối với người bị kết án phạt tù bao gồm:

      Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

      1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

      2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

      a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

      b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;

      c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

      3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

      Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

      4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

      Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

      Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

      5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

      6. Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này.

      Theo Điểm v Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

      v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

      Theo đó, việc người phạm tội có nhiều bằng khen chỉ là một trong các điều kiện xem xét hưởng án treo, để được hưởng án treo thì người phạm tội cần đảm bảo hình phạt tù không quá 03 năm phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.

      2. Mức xử phạt đối với người đang chấp hành án treo rời nơi cư trú mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền như thế nào?

      Tại Điểm đ Khoản 4 Điều 14 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về thi hành án hình sự, thi hành các biện pháp xử lý hành chính như sau:

      4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      đ) Người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú không xin phép hoặc không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc vắng mặt tại nơi cư trú quá thời hạn cho phép;

      Căn cứ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt như sau:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Như vậy, người người đang chấp hành án treo rời nơi cư trú mà không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

      3. Toà án không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thì có phải đi tù không?

      Theo quy định Điều 93 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về xử lý vi phạm đối với người được hưởng án treo như sau:

      6. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải làm thủ tục đưa người bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo đi chấp hành án phạt tù. Trường hợp người bị Tòa án quyết định chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu làm thủ tục đề nghị cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định truy nã.

      Trường hợp Tòa án không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lưu quyết định và các tài liệu có liên quan vào hồ sơ thi hành án treo và thông báo quyết định cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo để tiếp tục giám sát, giáo dục.

      Theo quy định trên, khi Tòa án không chấp nhận đề nghị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì người được hưởng án treo tiếp tục giám sát, giáo dục bởi Uỷ ban nhân dân cấp xã mà không chấp hành án phạt tù theo như đề nghị cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn