Đeo kính râm trong phòng xử án bị phạt bao nhiêu tiền?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/12/2022

Đeo kính râm trong phòng xử án bị phạt bao nhiêu tiền? Cá nhân gây rối trong phòng xử án bị xử phạt bao nhiêu tiền? Nguyên tắc bố trí phòng xử án được quy định như thế nào?

Chào anh chị, cho em hỏi em có tham gia dự thính một phiên tòa tại tòa án thành phố, trong lúc chuẩn bị bước vào phiên tòa thì có người lại mang kính râm bước vào dự thính? Cho em hỏi hành vi này có vi phạm pháp luật không? Sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền với hành vi này?

Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

    • Đeo kính râm trong phòng xử án bị phạt bao nhiêu tiền?

      Tại khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022 có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp như sau:

      1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      a) Sử dụng điện thoại, tạo các tạp âm hoặc thực hiện các hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa;

      b) Để thiết bị điện tử ở trạng thái tắt camera hoặc tắt âm thanh micro mặc dù được chủ tọa phiên tòa nhắc nhở;

      c) Không đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên án mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép;

      d) Bị cáo không đứng dậy khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép;

      đ) Hút thuốc, ăn uống trong phòng xử án;

      e) Mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa;

      g) Bị cáo đang bị tạm giam tiếp xúc với người khác không phải là người bào chữa cho mình mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép;

      h) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã được nhắc nhở nhưng vẫn vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.

      Tại Điều 6 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022 có quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền như sau:

      1. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng.

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      3. Thẩm quyền phạt tiền của những người được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 của Pháp lệnh này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân; thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

      Theo đó, trong trường hợp người tham gia phiên tòa đeo kính màu trong phòng xử án không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng.

      Hình từ Internet

      Cá nhân gây rối trong phòng xử án bị xử phạt bao nhiêu tiền?

      Tại Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022 có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp như sau:

      2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

      a) Không chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa;

      b) Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa phiên tòa đồng ý;

      c) Gây rối tại phòng xử án;

      d) Không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở;

      đ) Có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử;

      e) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác mặc dù đã được nhắc nhở;

      g) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án không ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa;

      h) Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án rời khỏi phòng xử án khi phiên tòa đang diễn ra không có lý do chính đáng và không được chủ tọa phiên tòa đồng ý;

      i) Nhà báo không thực hiện yêu cầu của Tòa án về việc xuất trình thẻ nhà báo khi tham dự phiên tòa để hoạt động nghiệp vụ báo chí.

      ...

      5. Hình thức xử phạt bổ sung:

      Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, điểm b và điểm c khoản 3, điểm b và điểm c khoản 4 Điều này.

      Căn cứ theo quy định hiện hành, cá nhân có hành vi gây rối tại phòng xử án có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

      Nguyên tắc bố trí phòng xử án được quy định như thế nào?

      Điều 3 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC có quy định về nguyên tắc bố trí phòng xử án như sau:

      1. Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.

      2. Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

      3. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.

      4. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

      Trên đây là nguyên tắc bố trí phòng xử án theo quy định hiện hành.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn