Giải quyết thế nào khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2 mà bị đơn vắng mặt?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 31/08/2022

Giải quyết thế nào khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2 mà bị đơn vắng mặt? Trong trường hợp ly hôn thì vợ chồng có thể thay đổi thỏa thuận sau khi tòa án hòa giải thành không? Tòa án có quyền tống đạt giấy tờ dân sự qua email không?

    • Giải quyết thế nào khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2 mà bị đơn vắng mặt?

      Câu hỏi: Tôi là bị đơn trong một vụ kiện đất đai. Hôm trước Tòa án có thông báo mở phiên tòa xét xử nhưng vì tôi đang đi công tác nên không tham gia được. Mới đây, tôi nhận được thông báo về việc mở phiên tòa Sơ thẩm lần thứ 2. Nhưng hiện tại tôi cũng đang không ở nhà, sợ không thể tham dự được phiên tòa thì có sao không? Nếu tôi vắng mặt thì tòa án có hoãn phiên tòa hay xét xử bình thường. Rất mong được giải đáp, tôi cảm ơn!

      Trả lời:

      Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:

      - Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

      + Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

      + Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.

      Theo quy định này, trường hợp bạn là bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai mà vắng mặt tại phiên tòa thì sẽ được giải quyết như sau:

      * Nếu bạn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử bình thường.

      * Nếu bạn không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ xem xét đến lý do vắng mặt:

      - Nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc lý do khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.

      - Nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc lý do khách quan thì giải quyết như sau:

      + Bạn không có yêu cầu phản tố thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.

      + Bạn có yêu cầu phản tố nhưng vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố. Lúc này, bạn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.

      Trong trường hợp ly hôn thì vợ chồng có thể thay đổi thỏa thuận sau khi tòa án hòa giải thành không?

      Câu hỏi: Ban biên tập cho tôi hỏi: Tôi và chồng tôi muốn ly hôn, đã đưa đơn khởi kiện và được Tòa án hòa giải thành tuy nhiên hiện tôi và chồng muốn thay đổi thỏa thuận thì có được hay không? Mong nhận được sự phản hồi của ban biên tập về vấn đề trên. Xin cảm ơn.

      Trả lời:

      Theo Điều 121 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được quy định như sau:

      1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

      Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

      2. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

      3. Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

      Việc thay đổi thỏa thuận của các đương sự sau khi Tòa án tiến hành hòa giải chỉ được tiến hành trong vòng 07 ngày kể từ ngày ký biên bản hòa giải thành.

      Vì vậy, theo thông tin mà bạn đã cung cấp thì không rõ thời gian bạn và chồng bạn ký biên bản hòa giải thành là bao lâu. Như vậy khi hết thời hạn 07 ngày Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận của bạn, lúc này bạn và chồng bạn không có quyền thay đổi ý kiến của mình nữa. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

      Tòa án có quyền tống đạt giấy tờ dân sự qua email không?

      Câu hỏi: Xin chào chuyên viên. Tôi là nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp cho vay bất động sản, nhưng do tính chất công việc, tôi thường phải đi công tác xa nên việc nhận giấy tờ tòa án hơi khó khăn. Vậy theo quy định hiện hành, Tòa án có quyền tống đạt giấy tờ qua địa chỉ email không? Nhờ chuyên viên hỗ trợ tôi.

      Trả lời:

      Căn cứ theo Điều 173 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định các phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng như sau:

      Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng được thực hiện bằng các phương thức sau đây:

      - Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo.

      - Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

      - Niêm yết công khai.

      - Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

      - Cấp, tống đạt, thông báo bằng phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của Bộ luật này.

      Như vậy việc cấp, tống đạt bằng phương tiện điện tử thì phải có sự đồng ý của đương sự. Để thực hiện việc tống đạt theo hình thức này, Tòa án phải lập biên bản ghi nhận sự đồng ý của đương sự và địa chỉ thư điện tử để tống đạt. Về phía Tòa án cũng phải có một địa chỉ email để sử dụng chung. Thư ký chụp hình các văn bản tố tụng đã được ký, đóng dấu rồi gửi cho đương sự qua email; khi nhận được các văn bản tống đạt, đương sự phải gửi thư xác nhận đã nhận được qua email cho người đã gửi.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn