Giao nhận và xử lý tang vật

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/09/2016

Trong trường hợp một bản án có nhiều bị án mà có bị án kháng cáo, có bị án không kháng cáo. Khi Tòa án chuyển án sang cho cơ quan thi hành án dân sự thì bản án đó có được nhận không? Nếu cơ quan Thi hành án dân sự nhận Bản án và ra quyết định thi hành án cho các bị án không có kháng cáo thì phần tang vật trong Bản án có được xử lý không hay phải chờ có Bản án phúc thẩm mới xử lý?

    • Trường hợp bạn hỏi cần xác định rõ một số vần đề sau đây:

      1. Về việc chuyển giao, tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ kèm theo bản án, quyết định phải thực hiện theo quy định tại Điều 122 và 123 Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng.

      - Vật chứng, tài sản tạm giữ trong bản án, quyết định hình sự do yêu cầu phục vụ việc xét xử mà chưa được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự trong giai đoạn truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự tại thời điểm Toà án chuyển giao bản án, quyết định.

      Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được tiến hành tại kho của cơ quan thi hành án dân sự. Bên giao có trách nhiệm vận chuyển vật chứng, tài sản tạm giữ đến kho của cơ quan thi hành án dân sự.

      Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ không thể vận chuyển, di dời về bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự thì địa điểm giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ là nơi đang gửi, giữ hoặc nơi đang có tài sản.

      Việc tiếp nhận tài sản phải có sự tham gia đầy đủ của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền, thủ kho, kế toán.

      - Việc tiếp nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được tiến hành theo thủ tục sau đây:

      Thủ kho có trách nhiệm trực tiếp nhận, kiểm tra hiện trạng vật chứng, tài sản tạm giữ và nhập kho thi hành án. Việc giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải được lập biên bản ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm giao nhận; số lượng, chủng loại, hiện trạng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ, có so sánh với biên bản thu giữ ban đầu của cơ quan Công an hoặc Toà án. Cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiếp nhận tài sản đủ và đúng với hiện trạng ghi trong biên bản thu giữ ban đầu. Trong trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ giao, nhận đã bị thay đổi so với biên bản thu giữ ban đầu thì Thủ trưởng cơ quan bên giao, bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, kết luận và cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi đã được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về những thay đổi đó.

      Biên bản giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ phải có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, nếu có.

      Trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận khi có kết quả giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản tạm giữ trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ là các chất ma tuý, cơ quan thi hành án dân sự chỉ nhận dưới hình thức gói niêm phong kèm theo kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.

      Khi giao, nhận phải lập biên bản ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản được niêm phong, có chữ ký của bên giao, bên nhận. Trường hợp niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu khả nghi trên đó thì cơ quan thi hành án dân sự chỉ tiếp nhận khi có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền.

      Như vậy, khi Toà án chuyển giao bản án và tang vật vụ án cho cơ quan thi hành án, thì cơ quan thi hành án nhận bản án cùng với tang vật do Toà án chuyển giao.

      2. Về việc xử lý tang vật, phải thực hiện đúng quy định tại Điều 124, 125, 126, 127 Luật Thi hành án dân sự 2008, Điều 18 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự, Thông tư số 166/2009/TT-BTC ngày 18/08/2009 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý một số loại tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.

      Về nguyên tắc chỉ phần bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực mới được thi hành. Do vậy, phần bản án hình sự bị kháng cáo thì chưa được thi hành. Do đó, khi xử lý tang vật trong bản án, quyết định có người kháng cáo, có người không kháng cáo, thì cơ quan thi hành án pahir xác định rõ bản án đó có bị kháng cáo toàn bộ hay chỉ một phần. Nếu chỉ bị kháng cao một phần thì phần đó có liên quan đến tang vật hay không để áp dụng nguyên tắc nêu trên.

      Tuỳ từng trường hợp cụ thể xử lý, cần lưu ý như sau:

      - Đối với vật chứng, tài sản tạm giữ mà bản án, quyết định tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao vật chứng, tài sản tạm giữ đó cho cơ quan tài chính cùng cấp. Đối với tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước do cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành thì chuyển cho cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở.

      Chi phí xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước do cơ quan tài chính nơi nhận vật chứng, tài sản tạm giữ chi trả theo quy định của pháp luật.

      Khi chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ phải kèm theo quyết định thi hành án, bản án, quyết định hoặc bản sao bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự sao y bản chính.

      Việc chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ phải có sự tham gia của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền, kế toán, thủ kho và đại diện cơ quan tài chính. Việc giao, nhận vật chứng, tài sản tạm giữ được lập biên bản, mô tả cụ thể thực trạng vật chứng, tài sản tạm giữ, có chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên giao, chữ ký của người đại diện và dấu của cơ quan bên nhận, nếu có.

      Trường hợp quyết định tịch thu vật chứng, tài sản tạm giữ đã được thi hành nhưng sau đó phát hiện có sai lầm và đã được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định tịch thu thì cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở để làm thủ tục hoàn trả lại số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

      - Đối với việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản: Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu huỷ theo bản án, quyết định, trừ trường hợp pháp luật quy định phải tiêu huỷ ngay.

      Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm Chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết.

      Viện kiểm sát cùng cấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản.

      - Về trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự.

      Trường hợp người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án.

      Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.

      Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước. Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định tiêu huỷ và tổ chức tiêu huỷ tài sản.

      Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định.

      Trường hợp tài sản trả lại là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình bảo quản và đương sự từ chối nhận thì cơ quan thi hành án dân sự đề nghị Ngân hàng nhà nước đổi tiền mới có giá trị tương đương để trả cho đương sự. Đối với tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ bị hư hỏng không còn sử dụng được không do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự mà đương sự từ chối nhận thì cơ quan thi hành án dân sự giao cho Ngân hàng nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn