Khám nghiệm hiện trường được tiến hành như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Theo dõi sự thay đổi của Khám nghiệm hiện trường
Ngày hỏi: 12/07/2017

Việc tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự được quy định thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp. Gần đây, khi theo dõi tin tức, tôi được biết trong quá trình giải quyết các vụ án, hoạt động khám nghiệm hiện trường đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc làm rõ các tình tiết vụ án. Tôi thắc mắc không biết, trên thực tế, hoạt động này được tiến hành như thế nào? Vấn đề này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Ban biên tập. Cảm ơn các bạn rất nhiều! 

Đào Duy Bình (binh***@yahoo.com)

    • Như chúng ta đã biết, hiện trường là nơi xuất hiện và tồn tại của vật chứng, dấu vết phản ánh tổng thể về vụ việc. Vì vậy, hiện trường có ý nghĩa quan trọng trong việc thu thập các thông tin, tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc điều tra, làm rõ vụ việc. Hiệu quả của hoạt động điều tra bị chi phối ở mức độ đáng kể bởi kết quả khám nghiệm hiện trường, thậm chí trong nhiều trường hợp nó mang tính chất quyết định đối với hiệu quả của hoạt động điều tra.

      Thông qua hiện trường, cơ quan có thể nhận định, đánh giá tính chất của hoạt động của thủ phạm, công cụ, phương tiện mà thủ phạm sử dụng khi phạm tội, thời gian trên hiện trường của thủ phạm, mối quan hệ giữa thủ phạm và hiện trường cũng như nhiều thông tin cần thiết khác.

      Do vậy, hiện trường là nguồn quan trọng và nhiều khi là duy nhất để phát hiện, thu lượm dấu vết, các tài liệu và chứng cứ, nó là điểm xuất phát quan trọng cho các hoạt động điều tra, truy xét tiếp theo và công việc khám phá vụ án. Thủ phạm nào cũng sẽ tạo ra dấu vết, nhưng muốn phát hiện được dấu vết do thủ phạm để lại ở hiện trường, không bỏ sót dấu vết, vật chứng thì cần phải căn cứ vào thực tại khách quan để có nhận định chính xác về diễn biến của vụ án và quá trình hành động của thủ phạm ở hiện trường.

      Việc tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:

      1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.

      2. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

      Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

      3. Khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

      Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.

      Liên quan đến vấn đề này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin như sau:

      Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra được tiến hành trực tiếp tại hiện trường do Điều tra viên tiến hành nhằm phát hiện, xem xét, ghi nhận dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm. Chính vì vậy, nên việc khám nghiệm hiện trường có thể tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự.

      Nhiệm vụ của công tác khám nghiệm hiện trường gồm:

      - Ghi nhận vị trí, trạng thái, quang cảnh chung của hiện trường

      - Phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản các loại dấu vết, vật chứng liên quan đến sự việc đã xảy ra

      - Lập và hoàn chỉnh các văn bản của hồ sơ khám nghiệm hiện trường

      - Phát hiện những sơ hở, thiếu xót của ta mà bọn tội phạm thường lợi dụng và đề phòng các biện pháp phòng ngừa tích cực.

      Về phương pháp khám nghiệm hiện trường: là cách thức tiến hành hoạt động phát hiện, thu lượm dấu vết, vật chứng để lại trên hiện trường của các vụ án hình sự. khi lựa chọn những phương pháp cụ thể để khám nghiệm các loại hiện trường khác nhau cần căn cứ vào một số yếu tố sau để xác định:

      - Kết quả của quá trình quan sát hiện trường

      - Đặc điểm cấu trúc của hiện trường

      - Tính chất của việc xảy ra

      - Kinh nghiệm chuyên môn và thực tế khám nghiệm hiện trường của điều tra viên

      - Khi khám xét hiện trường có thể sử dụng một số phương pháp sau đây:

      Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực;

      Phương pháp khám nghiệm hiện trường dựa vào phương thức gây án đã được nhận định;

      Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo hình xoáy ốc từ ngoài vào trung tâm hoặc từ trung tâm ra ngoài;

      Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo cách cuốn chiếu;

      Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo đường song song.

      Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn