Mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi từ năm 2018

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 03/08/2017

Mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi từ năm 2018 được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tôi được biết vừa qua, Toà án Nhân dân tối cao có ban hành thông tư đề ra quy định mới về phòng xử án sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2018. Trong đó, nổi bật là quy định về mô hình phòng xử án thân thiện đặc biệt đối với đối tượng bị xét xử là người chưa thành niên. Tôi thắc mắc không biết theo nội dung mới này thì mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi được thể hiện ra sao? Tôi có thể tham khảo thêm thông tin tại đâu? Rất mong nhận được phản hồi từ Quý Ban biên tập. Xin chân thành cảm ơn! Thanh Quý (quy***@gmail.com)

    • Mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi từ năm 2018
      (ảnh minh họa)
    • Từ ngày 01/01/2018, Thông tư 01/2017/TT-TANDTC về việc Quy định về phòng xử án chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Thông tư này quy định về việc sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác về phòng xử án.

      Theo đó, mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC. Cụ thể như sau:

      1. Vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh.

      Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

      2. Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng.

      3. Ngoài các quy định tại điều này, phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên phải bảo đảm quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư này.

      Về nguyên tắc, phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, an toàn, bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án.

      Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đồng thời phải phù hợp với việc xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.

      Đặc biệt, việc áp dụng mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi là quy định tiến bộ, hướng tới thực hiện mục tiêu bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi cụ thể là thể hiện tính thân thiện, nhân văn, phù hợp với lứa tuổi, giảm áp lực cho các em. Thực tế hiện nay, ở một số địa phương Tòa án đã và đang thay đổi chỗ ngồi mới.

      Tại thành phố Hồ Chí Minh, một số Tòa án cấp quận và Tòa Gia đình và Người chưa thành niên đã thay đổi chỗ ngồi của kiểm sát viên và luật sư ngồi ngang hàng với nhau.

      Việc ban hành thông tư mới đồng thời cũng là hoạt động cụ thể hóa nội dung của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và các văn bản liên quan cũng như góp phần cải cách tư pháp của nước ta.

      Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về mô hình phòng xử án người dưới 18 tuổi từ năm 2018. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn