Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 03/07/2017

Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Thế Khanh, hiện tại tôi đang là sinh viên. Vừa qua, tôi có tìm hiểu pháp luật liên quan đến hoạt động điều tra vụ án hình sự của các cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động điều tra. Cho tôi hỏi, nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng trong hoạt động điều tra vụ án hình sự được quy định ra sao? Tôi có thể tìm hiểu quy định tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn!

Thế Khanh (thekhanh*****@gmail.com)

    • Nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng được quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:

      Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các Điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật hình sự xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý thì những người quy định tại Khoản 2 Điều này có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

      a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp Điều tra khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, kết thúc Điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

      b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án;

      c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

      Biên giới là một vùng lãnh thổ đặc biệt, là ranh giới xác định lãnh thổ quốc gia. Biên giới nước ta gồm biên giới trên bộ, biên giới trên biển, biên giới vùng trời và biên giới lòng đất. Đây là vùng tiếp giáp giữa nước ta với một nước khác nên tình hình tội phạm vô cung phức tạp, đặ biệt là các tội phạm về ma túy, mua bán người,.... Nhưng lực lượng điều tra thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thể trực tiếp bám sát địa bàn để quản lý, trực tiếp tiếp nhận, điều tra, trấn áp tội phạm. Do đó, cần có một lực lượng đồn trú tại vùng biên giới để kịp thời phát hiện, tiếp nhận điều tra trấn áp tội phạm, cũng như kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết để kịp thời điều động lực lượng tiếp nhận giải quyết.

      Bộ đội Biên phòng Việt Nam là một thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại vùng biên giới, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới.

      Vì vậy, pháp luật quy định cho Bộ đội biên phòng được tiến hành một số hoạt động điều tra tội phạm trong phạm vi thẩm quyền được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biên giới, Bộ đội biên phòng có nghĩa vụ phát hiện, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm xảy ra tại địa bàn biên giới. Khi phát hiện tội phạm hoặc có dấu hiệu tội phạm, thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng được tiến hành điều tra các tội phạm ít nghiêm trọng xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý; đối với các tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì thực hiện những thao tác, thủ tục sơ bộ ban đầu, sau đó phải chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nhiệm vụ, quyền hạn Điều tra của Bộ đội biên phòng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm thông tin tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn