Những việc Điều tra viên hình sự không được làm

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 04/07/2017

Những việc Điều tra viên hình sự không được làm được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi là Nguyễn Cẩm Tiên, hiện tôi đang là sinh viên đai học tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đang tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến Điều tra viên hình sự. Cho tôi hỏi, pháp luật không cho phép Điều tra viện thực hiện các hành vi nào? Tôi phải tìm hiểu thông tin tại văn bản pháp luật nào? Mong nhận được sự phản hồi từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Xin cảm ơn!

Nguyễn Cẩm Tiên (camtien*****@gmail.com)

    • Những việc Điều tra viên hình sự không được làm được quy định tại Điều 54 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Cụ thể là:

      1. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức hoặc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân không được làm.

      2. Tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

      3. Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

      4. Đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

      5. Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

      Điều tra viên phải tôn trọng sự thật, tiến hành hoạt động điều tra một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Do đó, trong một vụ án hình sự, vị trí, vai trò của Điều tra viên rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến toàn bộ vụ án từ quyết định khởi tố, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

      Vì tính chất quan trọng này, pháp luật không cho phép Điều tra viên thực hiện các hành vi có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án, hoặc nguy hiểm hơn là có thể làm sai lệnh nội dung vụ án dẫn đến trường hợp để loạt tội phạm hoặc dẫn đến tình trạng oan sai làm giảm uy tín của cơ quan điều tra.

      Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Điều tra viên, cán bộ điều tra không được thực hiện các hành vi được quy định tại Điều 54 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 và phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định sau:

      - Không được tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và đơn, thư khiếu nại, tố cáo trái quy định hoặc không được Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công;

      - Không được tiếp thân nhân (gồm ông bà nội, ngoại, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc chồng, anh chị em ruột, anh chị em ruột bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi) của bị can, người bị tạm giữ hoặc những người khác có liên quan ở bất cứ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

      - Trường hợp bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ tự động đến nhà của Điều tra viên, cán bộ điều tra hoặc gặp gỡ Điều tra viên, cán bộ điều tra ở ngoài trụ sở cơ quan Công an thì Điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích và yêu cầu họ đến trụ sở cơ quan Công an để làm việc; đồng thời, phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra biết;

      - Không được ăn uống, nhận quà, tiền hoặc lợi ích khác của bị can hoặc thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan đến vụ án. Nếu thân nhân, bạn của bị can, người bị tạm giữ và người có liên quan đến vụ án cố tình biếu, cho, tặng quà, tiền hoặc các lợi ích khác, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải từ chối và báo cáo ngay việc này cho Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra biết để chỉ đạo xử lý;

      - Không được nhờ, sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với bị can, người bị tạm giữ, thân nhân của họ và cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan;

      - Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào;

      - Không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ), trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về những việc Điều tra viên hình sự không được làm. Để biết thêm thông tin chi tiết bạn nên tham khảo thêm tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn