Phạm tội cướp tài sản phải đặt bao nhiêu tiền để bảo đảm?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 02/03/2022

Em tôi phạm tội cướp tài sản bị công an tạm giam, gia đình muốn đặt tiền để đảm bảo cho em được tại ngoại. Tôi muốn biết đối với tội này thì đặt bao nhiêu tiền để em tôi được tại ngoại không bị tạm giam nữa?

    • Phạm tội cướp tài sản phải đặt bao nhiêu tiền để bảo đảm?

      Căn cứ Khoản 1 Điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau:

      Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.

      Theo Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định mức tiền đặt để bảo đảm như sau:

      1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới:

      a) Ba mươi triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

      b) Một trăm triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng;

      c) Hai trăm triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

      d) Ba trăm triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

      2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới một phần hai (1/2) mức tương ứng quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

      a) Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân hoặc được tặng Huân chương, Huy chương kháng chiến, các danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, của gia đình được tặng bằng “Gia đình có công với nước”;

      b) Bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

      Như vậy, theo các quy định như trên pháp luật không có quy định số tiền bị can, bị cáo phải đặt để đảm bảo. Trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của em bạn để quyết định số tiền đặt để đảm bảo.

      Trường hợp nào không được đặt tiền để đảm bảo?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC có quy định như sau:

      Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo; bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, tố giác đồng phạm, có tình tiết giảm nhẹ (như tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại...); việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trừ các trường hợp sau:

      - Bị can, bị cáo dùng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

      - Bị can, bị cáo là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm, tái phạm nguy hiểm;

      - Bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã.

      - Phạm nhiều tội;

      - Phạm tội nhiều lần.

      Theo đó nếu em bạn phạm tội thuộc vào các trường hợp như trên thì sẽ không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn