Phán quyết của trọng tài thương mại có phải là quyết định cuối cùng không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 06/06/2022

Phán quyết của trọng tài thương mại có phải là quyết định cuối cùng không? Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài là gì? Công ty tôi và đối tác đang muốn đưa điều khoản giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng mua bán hàng hóa với nội dung là lựa chọn Trọng tài thương mại giải quyết khi có tranh chấp. Cho tôi hỏi, liệu khi có tranh chấp, Trọng tài ra phán quyết thì phán quyết này có phải là quyết định cuối cùng không? Có thể bị Tòa án tuyên hủy hay không? Xin cảm ơn!

    • Phán quyết của trọng tài thương mại có phải là quyết định cuối cùng không?

      Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài như sau:

      1. Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

      2. Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

      3. Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

      4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

      5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

      Căn cứ Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài như sau:

      5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

      Căn cứ Khoản 4 Điều 71 Luật này quy định về Toà án xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài như sau:

      4. Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, nếu có, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số.

      Như vậy, quyết định trọng tài là phán quyết cuối cùng, được đảm bảo thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự và Toà án chỉ có thẩm quyền xem xét về hình thức của phán quyết để vô hiệu quyết định trọng tài chứ không thể xem xét nội dung.

      Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài

      Căn cứ Điều 68 Luật trên quy định về căn cứ huỷ phán quyết trọng tài như sau:

      1. Tòa án xem xét việc hủy phán quyết trọng tài khi có đơn yêu cầu của một bên.

      2. Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

      b) Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

      c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

      d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

      đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

      3. Khi Tòa án xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, nghĩa vụ chứng minh được xác định như sau:

      a) Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này có nghĩa vụ chứng minh Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong các trường hợp đó;

      b) Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này, Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn