Quyền yêu cầu phản tố và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/02/2017

Tôi và chồng đã ly hôn 2 năm, có 1 con chung do tôi nuôi không yêu cầu trợ cấp và chồng cũng không tự nguyện trợ cấp. Hiện nay con tôi được 3.5 tuổi, chồng cũ tôi đã làm đơn yêu cầu đổi quyền nuôi con vì tôi đã có gia đình mới và đang mang bầu. Trong thời gian sau ly hôn chồng cũ tôi luôn lăng mạ, xúc phạm và gây rối khiến tôi bị trầm cảm 1 thời gian dài nên thu nhập của tôi cũng hạn chế, tuy nhiên tôi vẫn chứng minh được thu nhập ở mức lương của nhà nước. Lúc làm tờ khai tôi đã kèm theo đơn yêu cầu: yêu cầu trợ cấp và hạn chế quyền thăm nom nhưng tòa không nhận và nói là phải nộp đơn yêu cầu phản tố riêng và nếu yêu cầu trợ cấp nhiều hơn mức cơ bản thì phải chứng minh được thu nhập của chồng cũ. Cho tôi hỏi: Tòa yêu cầu phải làm đơn yêu cầu phản tố thay vì đơn yêu cầu trong cùng vụ án và làm thủ tục từ đầu như nộp đơn, đóng lệ phí… vậy có đúng không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quyền yêu cầu phản tố cuả bị đơn. Cụ thể:

      Điều 72. Quyền, nghĩa vụ của bị đơn

      Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ của nguyên đơn. Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của Bộ luật này.

      Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác.

      Điều 146. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí

      Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

      Điều 200. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

      Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.

      Yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

      a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

      b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập;

      c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

      Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

      Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì khi chồng cũ làm đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con, trong đó bạn lại có yêu cầu chồng cũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đối với toàn bộ thời gian trước đó và sau này, hạn chế quyền thăm nuôi con. Nếu yêu cầu này có liên quan với yêu cầu khởi kiện của chồng cũ (giúp quá trình giải quyết giải quyết nhanh hơn..) thì bạn có thể thực hiện theo hướng làm đơn yêu cầu phản tố và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí. Do đó, yêu cầu của Tòa án đưa ra là phù hợp, đúng quy định pháp luật.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền yêu cầu phản tố và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn