Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có buộc phải là Chấp hành viên hay không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 16/05/2022

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có buộc phải là Chấp hành viên? Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ và quyền hạn thế nào? Em là sinh viên mới ra trường em có thắc mắc là để trở thành thủ trưởng của cơ quan thi hành dân sự thì có buộc phải là chấp hành viên hay không?

    • Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có buộc phải là Chấp hành viên?

      Căn cứ Điều 22 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự như sau:

      1. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là Chấp hành viên. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

      2. Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội.

      Như vậy, theo quy định hiện hành thì để có thể làm thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì trước hết phải là Chấp hành viên. Ngoài ra, thì thủ trưởng phải do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm và đốí với cơ quan thi hành án trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

      Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ và quyền hạn thế nào?

      Căn cứ theo Điều 23 Luật này cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự như sau:

      1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

      a) Ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;

      b) Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự;

      c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án;

      d) Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;

      đ) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;

      e) Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;

      g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;

      h) Tổ chức thực hiện chế độ báo cáo, thống kê thi hành án;

      i) Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyền điều động, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện trên địa bàn và những việc khác theo hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.

      2. Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và chịu trách nhiệm trong phạm vi công việc được giao.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn