Thực hiện kê biên thi hành án dân sự như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/02/2017

Thực hiện kê biên thi hành án dân sự như thế nào? Cho em hỏi: A mắc nợ B mà không chịu trả. B kiện ra tòa, A bị tòa án buộc trả nợ cho B. Có bản án có hiệu lực pháp luật trong tay, B cùng với đại diện cơ quan thi hành án đến kê biên căn nhà A đang cho thuê để tiến hành bán đấu giá. A phản đối và yêu cầu kê biên miếng đất mà A có quyền sử dụng. Vậy yêu cầu của A có hợp lý hay không hợp lý? Tại sao? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Kê biên tài sản thi hành án là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008:

      1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

      2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

      3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

      4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

      5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

      6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

      Đồi với vấn đề kê biên nhà ở thì về nguyên tắc việc thực hiện kê biên phải thực hiện theo Điều 95 Luật thi hành án dân sự 2008:

      1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

      2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

      3. Khi kê biên nhà ở của người phải thi hành án đang cho thuê, cho ở nhờ thì Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết.

      Trường hợp tài sản kê biên là nhà ở, cửa hàng đang cho thuê được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo quy định của Bộ luật dân sự.

      4. Việc kê biên nhà ở bị khoá được thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật thi hành án dân sự 2008.

      Như vậy, nếu người phải kê biên có tài sản khác để thi hành án trong trường hợp này là quyền sử dụng đất hợp pháp của A và nhà ở của A là nhà ở duy nhất thì A có quyền yêu cầu kê biên quyền sử dụng đất đó mà không kê biên nhà ở của A. Tuy nhiên, nếu đó không phải tài sản duy nhất thì A cũng có thể yêu cầu kê biên thi hành án quyền sử dụng đất của A nếu quyền sử dụng đất đó đủ để trả nợ cho B.

      Nếu nhà gắn liền với phần đất mà A đang đề cập thì việc nhà ở thì phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền. Nếu A chỉ yêu cầu kê biên đất mà không kê biên nhà thì yêu cầu đó không hợp pháp.

      Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thực hiện kê biên thi hành án dân sự. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành án dân sự 2008 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn