Tố cáo chưa được giải quyết thì có được tố cáo tiếp không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 10/08/2022

Tố cáo chưa được giải quyết thì có được tố cáo tiếp không? Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có phải thông báo khi đình chỉ giải quyết tố cáo không?

Xin chào ban biên tập, tôi có tố cáo một cá nhân ở cơ quan tôi về hành vi vi phạm thẩm quyền trong hành chính, đến nay đã lâu vẫn chưa thấy động tĩnh gì, vậy thì tôi có thể tố cáo tiếp được không? Nếu mà đình chỉ giải quyết tố cáo thì có phải thông báo không? Xin nhờ ban biên tập giải đáp.

    • 1. Tố cáo chưa được giải quyết thì có được tố cáo tiếp không?

      Căn cứ Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:

      1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

      a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;

      b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

      c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

      d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

      đ) Rút tố cáo;

      e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

      g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

      2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

      a) Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này;

      b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

      c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

      d) Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

      đ) Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

      Tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo như sau:

      1. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

      2. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

      3. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

      4. Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

      5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

      Như vậy, anh/chị có có quyền tố cáo tiếp khi quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết. Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo và có thể được gia hạn như trên.

      2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có phải thông báo khi đình chỉ giải quyết tố cáo không?

      Tại Điều 11 Luật Tố cáo 2018 quy định quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo như sau:

      1. Người giải quyết tố cáo có các quyền sau đây:

      a) Yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được;

      b) Yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

      c) Yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo;

      d) Tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo;

      đ) Kết luận nội dung tố cáo;

      e) Xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

      2. Người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

      a) Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;

      b) Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

      c) Không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo;

      d) Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

      đ) Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;

      e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;

      g) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

      Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có nghĩa vụ phải thông báo cho người tố cáo, người bị tố cáo về việc đình chỉ giải quyết tố cáo.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn