Tổ chức hòa giải ở cơ sở

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 11/02/2017
Hội nghề nghiệp chúng tôi có tổ chức ở cơ sở và có nhiều hoạt động gắn với đời sống của cộng đồng ở khu dân cư, có nhiều hội viên am hiểu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chúng tôi thấy ở cơ sở có các tổ chức hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, chúng tôi muốn có tổ chức này để góp phần cùng địa phương trong hoạt động hòa giải và để phát huy vai trò của hội có được không và thủ tục để hình thành tổ chức hòa giải? Đặng Đình Thu (Vạn Ninh)
    • Theo Luật hòa giải ở cơ sở được Quốc hội thông qua năm 2013, ở cơ sởthôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (gọi chung là thôn, tổ dân phố) thành lập tổ hòa giải để hòa giải đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật (trừ những trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải) giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được UBND cấp xã thành lập để hoạt động hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải và số hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

      Hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Người có đủ tiêu chuẩn như trên thì có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Việc bầu hòa giải viên được thôn, tổ dân phố thực hiện bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận.

      Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Tổ hòa giải có tổ trưởng do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải. Việc bầu tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện dưới sự chủ trì của Trưởng ban công tác Mặt trận bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả bầu tổ trưởng tổ hòa giải được lập thành văn bản và gửi chủ tịch UBND cấp xã để ra quyết định công nhận.

      Với các quy định của pháp luật giới thiệu trên đây cho thấy hội viên của tổ chức hội cư trú ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn có thể ứng cử hoặc được đề cử để bầu làm hòa giải viên, còn bản thân tổ chức hội này không tự thành lập ra tổ chức hòa giải ở cơ sở được.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn