Xin giúp mẩu đơn bảo lảnh người thân

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 14/09/2016

Kính thưa luật sư! Chị gái tôi bị bắt giam và khởi tố tội chứa mại dâm vào ngày 1/9/2011(bị bắt 22/8/2011)   Trong quá trình điều tra có 3 nhân viên khai nhận tội có hành nghề mại dâm, trong đó có một người phạm tội quả tang! Đồng thời qua lời khai nhận của nhân viên có chi tiết là: chị tôi(người quản lý trực tiếp) có biết hành vi của các nhân viên nhưng đồng ý cho phép nhân viên tự thỏa thuận làm kiếm tiền bản thân không  ăn chia và nhận viên tự chịu trách nhiệm! Căn cứ điều này chị tôi bị khởi tố và tạm giam vào ngày 1/9/2011 đã nêu trên! Hiện nay 3 nhân viên bị bắt và gởi tại trại giáo dưỡng mặc dù đả có quyết định chính thức của cơ quan công an huyện và UBND huyện  vào ngày 8/9/2011 quyết định giam giữ 3 nhân viên tại trại giáo dưỡng là 03 tháng, nhưng đồng thời cả 3 nhân viên này đều khai lại là không nhận tội vì lý do trước đây cả 3 người đều bị mớm cung là sẽ được thả nếu khai nhận theo hướng yêu cầu của điều tra viên ! Nay không được thả theo thỏa thuận cả 3 nhân viên đều khai lại là không có sự việc như vây! Tất nhiên trừ một trường hợp ủa tang là nhận sai phạm lần đầu, tất cả những nhân chứng (đồng nghiệp các nhân viên , khách ,....) hiện nay không thể triệu tập vì lý do khách quan nên có thể nói hướng điều tra dần bế tắc! Xin hỏi luật sư trong trường hợp này vì lý do bệnh tật của chị tôi ( bệnh tim và tụt can xi , có bị cấp cứu trong thời gian giam giữ và được cơ quan yêu cầu thanh toán viện phí) nay tôi muốn bảo lảnh cho chị tôi tại ngoại được không? Và mẫu đơn bảo lảnh nếu có hoặc điều kiện đi kèm? Và nếu có thể kính xin luật sư cho biết nhận định của mình về trường hợp của chị tôi! Trong khi chờ đợi câu trả lời của luật sư tôi xin gởi đến luật sư lời cám ơn chân thành và sâu sắc nhất! Nếu có tính phí thì xin cho biết hình thức thanh toán. Rất mong sự giúp đỡ! Kính chào luật sư Trong trường hợp này nếu cơ quan không có hướng điều tra nhưng hồ sơ không đủ buộc tội thi cơ quan CA sẽ làm như thế nào? Văn bản hồ sơ xin bảo lảnh có yếu tố nào ràng buộc bất lợi với phạm nhân không? Theo kiến thức của em trong thời gian 03 tháng tạm giam  viện kiểm sát sẽ có hai lần có quyền  quyết định chuyển vụ án sang hành chánh. Hết thời gian 03 tháng thì tòa sẽ có một lần được trả hồ sơ yêu cầu cơ quan CA điều tra thêm hoặc yêu cầu cơ quan CA phạt hành chánh, có đúng không? Và xin hỏi thêm là có người nói đối với tội danh chứa mại dâm và buôn ma túy thì không có khung án treo? Kính xin sự giúp đở của luật sư! Em rất mong được câu trả lời và sẵn sàng trả phí!

    • Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

      Theo đó, khi ra quyết định bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của họ.

      Đối tượng được áp dụng biện pháp này thường là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn hoặc bị can, bị cáo ốm đau.

      Theo thông tin bạn cung cấp thì chị gái bạn thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, lại bị bệnh tim và tụt canxi, trong thời gian tạm giam đã có lần phải đi cấp cứu. Căn cứ vào những điều này, chị gái bạn có thể thuộc trường hợp được bảo lĩnh theo quy định của pháp luật. Việc bảo lĩnh không có yếu tố nào ràng buộc bất lợi với bị can, bị cáo mà chỉ cần người bảo lĩnh bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.

      Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS năm 2003: Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. Theo đó thì nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không đủ chứng cứ buộc tội thì CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra và gửi quyết định đình chỉ này cho VKS. Theo khoản 4 Điều 164: “Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.”

      Theo quy định tại khoản 2 Điều 120: “2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

      Việc gia hạn tạm giam được quy định nh­ư sau:

      a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;

      b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;

      c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;

      d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”

      Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc gia hạn đối với thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo theo đúng trình tự, thủ tục.

      Theo quy định tại Điều 254 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về Tội chứa mại dâm thì khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

      Khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định khung hình phạt thấp nhất như sau: “Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn