Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 07/06/2022

Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như thế nào? Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài được quy định như thế nào? Mong nhận câu trả lời!

    • Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

      Căn cứ Điều 80

      1. Tổng cục Thuế là cơ quan thuế quản lý thuế trực tiếp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, có trách nhiệm cấp mã số thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định, tiếp nhận tờ khai thuế và thực hiện các công việc có liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài.

      2. Cập nhật danh sách các nhà cung cấp nước nước ngoài trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký thuế, kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

      3. Phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch phát sinh tại Việt Nam.

      4. Cơ quan thuế ở Việt Nam có quyền phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế; truy thu thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài nếu chứng minh được nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế không đúng thực tế; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện và các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

      Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài

      Căn cứ Điều 81 Thông tư trên trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam có liên quan trong trường hợp mua hàng hoá, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài như sau:

      1. Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài hoặc thực hiện phân phối hàng hoá, cung cấp dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư này thì tổ chức mua hàng hoá, dịch vụ hoặc phân phối hàng hoá, dịch vụ thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài số thuế phải nộp theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014 của Bộ Tài chính.

      2. Cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp ở nước ngoài mà nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 76, Điều 77, Điều 78, Điều 79 Thông tư này thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

      Tổng cục Thuế có trách nhiệm thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho Hội sở chính của Ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Hội sở chính có trách nhiệm thông báo danh sách nhà cung cấp ở nước ngoài cho các chi nhánh của ngân hàng để các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế khi thực hiện thanh toán cho các giao dịch với nhà cung cấp ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối. Số thuế kê khai, khấu trừ, nộp thay được xác định trên cơ sở doanh thu mà nhà cung cấp ở nước ngoài nhận được, tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng và tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu theo quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 77 Thông tư này. Trường hợp không xác định được loại hàng hoá, dịch vụ của từng giao dịch thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ cao nhất.

      3. Chậm nhất ngày 20 hằng tháng ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm kê khai, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài theo mẫu số 03/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.

      4. Trường hợp cá nhân có mua hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nước ngoài có thanh toán bằng thẻ hoặc các hình thức khác mà ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể thực hiện khấu trừ, nộp thay thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ ngày thứ 10 hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu số 04/NCCNN ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.

      5. Việc kê khai, khấu trừ, nộp thay và theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 81 Thông tư này được thực hiện kể từ khi Tổng cục Thuế gửi thông báo cho Hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn