Đấu giá và đấu thầu

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 09/09/2016

Đấu giá và đấu thầu được quy định như thế nào?

    • Trước hết, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và đấu giá hàng hóa đều là những hoạt động thương mại, tức là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Cũng như các hoạt động mua bán thông thường, các bên trong hai hoạt động này luôn tồn tại bên mua và bên bán, trong đó bên mua là cá nhân hoặc tổ chức có thể là thương nhân hoặc không. Đối tượng của hai hoạt động này đều có thể là hàng hóa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật. Hai hoạt động này đều được điều chỉnh thống nhất bởi Luậtthương mại (LTM) 2005.

      Bên cạnh những điểm tương đồng giữa đấu giá hàng hóa và đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cũng có những điểm khác biệt khá rõ ràng.
      1. Về khái niệm:

      đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng hóa công khai để chọn người mua trả giá cao nhất (khoản 1 Điều 185 LTM 2005); đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên mua hàng hàng hóa, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu) (theo khoản 1 Điều 214 LTM 2005).
      2. Về bản chất kinh tế:

      đấu giá hàng hóa là phương thức bán hàng đặc biệt để bên bán xác định người mua hàng (quan hệ giữa một người bán và nhiều người mua); còn đấu thầu hàng hóa, dịch vụ lại là phương thức mua hàng đặc biệt để bên mua lựa chọn người cung cấp hàng hóa, dịch vụ (quan hệ giữa một người mua và nhiều người bán).
      3. Về đối tượng:

      đối tượng của hoạt động đấu giá hàng hóa là các loại hàng hóa được phép lưu thông. Thông thường, hầu hết chỉ những hàng hóa có đặc thù về giá trị cũng như giá trị sử dụng mới được cân nhắc để lựa chọn bán theo phương thức bán đấu giá. Những hàng hóa này khó xác định giá trị thực của nó như các loại hàng hóa khác. Còn đối tượng của đấu thầu hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hàng hóa được lưu thông mà còn bao gồm cả các loại dịch vụ được phép thực hiện. Sở dĩ dịch vụ không phải là đối tượng của hoạt động đấu giá hàng hóa như hoạt động đầu thầu hàng hóa, dịch vụ là vì quá trình sản xuất và quá trình sử dụng dịch vụ diễn ra đồng thời. Người ta chỉ có thể cảm nhận, đánh giá từ đó xác định giá trị của dịch vụ sau khi đã sử dụng dịch vụ. Điều này không đảm bảo để các người mua xem trước sản phẩm đấu giá và tự do cạnh tranh. Thực tế, có thể có một số loại hàng hóa khó xác định được giá trị nhưng không phải là không thể xác định được. Chẳng hạn việc đấu giá bất động sản, nếu không xác định được chính xác giá trị của bất động sản đem ra đấu giá, người ta có thể xác định một “vùng giá” để định hướng cho người mua.
      4. Về mục đích:

      mục đích của hoạt động đấu giá hàng hóa là tìm người mua trả giá cao nhất, còn hoạt động đấu thầu hàng hóa dịch vụ là tìm được người bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mà bên mua đặt ra. Điểm khác biệt ở đây là mối quan tâm của hoạt động đấu giá chỉ là giá cả, còn hoạt động đấu thầu không chỉ là tìm người trả giá thấp nhất mà còn đòi hỏi về chất lượng, trình độ kỹ thuật, khả năng sáng tạo,…

      5. Về chủ thể:

      trong hoạt động đấu giá hàng hóa: Người mua hàng chính là người tham gia đấu giá hàng hóa, gồm tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia cuộc đấu giá, trừ những đối tượng không được tham gia đấu giá quy định tại Điều 198 LTM 2005; người bán hàng hóa là chủ sở hữu hàng hóa, người được chủ sở hữu hàng hóa ủy quyền hoặc người có quyền bán hàng hóa theo quy định của pháp luật như tổ thanh toán tài sản (Luật Phá sản) hay các trường hợp xử lý tài sản cầm cố; thế chấp theo quy định của Bộ luật dân sự 2005. Đối với hoạt động đấu thầu, bên mua – bên mời thầu (có thể là thương nhân hoặc không) là bên có nhu cầu mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ và lại là bên tổ chức việc đấu thầu; còn bên bán – bên dự thầu là các thương nhân có năng lực cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho gói thầu. Điểm khác biệt nữa ở đây là trong hoạt động đấu giá hàng hóa, trừ một số ít trường hợp người bán đấu giá tự mình tổ chức bán đấu giá, hầu hết đều có sự tham gia của trung gian là người làm dịch vụ bán đấu giá, đó là thương nhân lấy hoạt động dịch vụ tổ chức bán đấu giá hàng hóa làm nghề nghiệp của mình. Ngược lại, trong đấu thầu lại không có sự xuất hiện của thương nhân chuyên kinh doanh dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ. Sự tham gia của một số chủ thể trung gian cũng chỉ trong các giai đoạn của quy trình tổ chức đấu thầu (như tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu,…)

      6. Về hình thức pháp lí:

      Trong quan hệ bán đấu giá, hình thức pháp lí được thiết lập dưới dạng là hợp đồng ủy quyền bán đấu giá (được xác lập giữa người bán hàng và người làm dịch vụ bán đấu giá) và văn bản bán đấu giá hàng hóa (thực chất là hợp đồng mua bán hàng hóa và được xác lập giữa các bên liên quan gồm: người bán hàng, người mua hàng và tổ chức bán đấu giá). Còn hình thức pháp lý của quan hệ đấu thầu là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu.
      7. Về phân loại:

      Đối với đấu giá hàng hóa: LTM 2005 quy định hai phương thức thực hiện đấu giá hàng hóa là phương thức trả giá lên và phương thức hạ giá xuống (Khoản 2 Điều 185 LTM 2005). Đối với đấu thầu hàng hóa, dịch vụ: căn cứ vào hình thức đấu thầu có thể chia thành đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế (Khoản 1 Điều 215 LTM 2005); căn cứ vào phương thức đấu thầu thì chia thành đấu thầu một túi hồ sơ và đấu thầu hai túi hồ sơ (Khoản 1 Điều 215 LTM 2005).
      8. Về ý nghĩa:

      Về đấu giá hàng hóa: Với người mua, nó tạo ra sự bình đẳng và một môi trường cạnh tranh công bằng khi tất cả những người tham gia trả giá đều có cơ hội ngang nhau; đồng thời cũng giúp cho hàng hóa đến được với những người mua tiềm năng, hiểu đúng giá trị của chúng nhất. Người bán cũng thu được lợi ích nhất định mà có khi còn lớn hơn nhiều lần so với giá trị thực của hàng hóa được đem ra bán đấu giá. Đồng thời, đấu giá hàng hóa còn giúp xác lập quan hệ mua bán diễn ra nhanh chóng do tập trung được cung, cầu về các loại hàng hóa đó và một thời gian và địa điểm xác định; từ đó thúc đẩy quan hệ trao đổi thương mại phát triển.
      Với đấu thầu: bên mua có thể lựa chọn được người cung ứng thỏa mãn tốt nhất các yêu cầu đề ra, từ đó có thể giảm chi phí đầu tư và tăng lợi ích của việc mua sắm hàng hóa, tìm kiếm người cung ứng dịch vụ cho thương nhân đó cũng như cho xã hội. Còn bên người bán: không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh về giá cả mà còn cả về năng lực, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ; từ đó, tạo động lực cho thương nhân không ngừng tìm tòi sáng tạo để cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất, cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh trong đấu thầu. Các bên trong quan hệ đấu thầu vì thế mà có thể nâng cao uy tín và mở rộng mối quan hệ trên thị trường.
      Hai hoạt động đấu giá hàng hóa và đấu thầu hàng hóa, dịch vụ là hai hoạt động thương mại khá đặc biệt giúp cho các chủ thể có nhiều sự lựa chọn hơn khi thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa cũng như cả cung ứng dịch vụ (hoạt động đấu thầu).

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn