Vận chuyển nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phạt tiền như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 17/11/2022

Vận chuyển nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phạt tiền như thế nào? Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào đối với vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ? Cá nhân vận chuyển động vật chết bị phạt tiền như thế nào?

Chào anh chị Luật sư. Tôi thường xuyên đọc báo pháp luật và hôm nay tôi thấy công an vừa tiến hành bắt tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng giá trị là 60 triệu qua cửa khẩu Tịnh Biên thì tôi có thắc mắc là hành vi này sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Kính mong anh chị Luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • Vận chuyển nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phạt tiền như thế nào?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Vận chuyển nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị phạt tiền như thế nào?

      Tại Khoản 1, Khoản 9 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác, theo đó:

      1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng:

      a) Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa;

      b) Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa;

      c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

      d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

      9. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng.

      Bên cạnh đó, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền như sau:

      b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

      Theo đó, cá nhân vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ có tổng giá trị là 60 triệu sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000.

      Với tổ chức thì mức phạt với hành vi này sẽ từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

      2. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ?

      Theo Khoản 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau:

      14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

      b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

      Như vậy, đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ áp dụng biện pháp khắc hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

      3. Cá nhân vận chuyển động vật chết bị phạt tiền như thế nào?

      Căn cứ Khoản 5, Điểm a Khoản 12 Điều 20 Nghị định 90/2017/NĐ-CP có quy định như sau:

      5. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển động vật chết, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh.

      12. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9 và khoản 11 Điều này;

      Tại Điểm c Khoản 8 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP, có quy định như sau:

      c) Buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 9, khoản 10 và khoản 11 Điều này.”

      Với quy định này thì cá nhân vận chuyển động vật chết sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật vi phạm và buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi vi phạm này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn