Chuyển nhầm tiền, có thể phong tỏa tài khoản ngân hàng không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 23/05/2019

Công ty tôi thực hiện chuyển tiền qua giấy ủy nhiệm chi. Do sai sót của kế toán, thay vì phải thanh toán 4,5 tỷ tiền hàng cho công ty BC thì chúng tôi lại chuyển nhầm sang cho công ty ACD (cũng là đối tác của công ty chúng tôi). Khi phát hiện ra sai sót, chúng tôi đã yêu cầu công ty ACD chuyển trả lại số tiền trên nhưng công ty không đồng ý vì cho rằng số tiền đó sẽ được giữ lại xem như tiền thanh toán trước cho số hàng trong những năm sắp tới. Chúng tôi đã liên hệ với ngân hàng nhưng không được giải quyết. Xin hỏi, chúng tôi có thể khởi kiện lên tòa án không? Đồng thời công ty tôi có cách nào để công ty ACD không rút số tiền đó khỏi ngân hàng được không?

    • Chuyển nhầm tiền, có thể phong tỏa tài khoản ngân hàng không?
      (ảnh minh họa)
    • Theo như nội dung bạn cung cấp có thể xác định ban đầu đây là quan hệ dân sự với đối tượng là việc xác định quyền chiếm hữu. Căn cứ Điều 165 Bộ luật dân sự 2015 quy định về chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:

      1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

      a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

      b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

      c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

      d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

      đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

      e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

      2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

      Đồng thời, căn cứ Điều 181 Bộ luật dân sự 2015 quy định về chiếm hữu không ngay tình như sau:

      - Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.

      Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, công ty ACD biết việc công ty bạn chuyển nhầm và việc chiếm hữu số tiền trên là không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, công ty bạn có quyền đòi lại số tiền trên. Nếu công ty bạn đã yêu cầu ngân hàng xử lý và không nhận được kết quả như mong muốn thì có thể khởi kiện lên tòa án.

      Về việc ngăn chặn công ty ACD rút số tiền trên khỏi tài khoản, bạn có thể yêu cầu ngân hàng tạm thời phong tỏa tài khoản trên. Đồng thời, khi đã nộp đơn khởi kiện tại tòa án, công ty bạn có thể yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cụ thể là phong tỏa tài khoản ngân hàng theo quy định của Điều 124 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

      - Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

      Trên đây là nội dung tư vấn.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn