Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 30/07/2022

Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng? Áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng được quy định như thế nào?

Mong anh chị tư vấn theo quy định mới nhất. Tôi cảm ơn.

    • Khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng?

      Căn cứ Điều 22 Thông tư 08/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/09/2022) quy định khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng, như sau:

      1. Căn cứ kết quả giám sát, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng quyết định hoặc trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, phê duyệt khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng.

      2. Việc khuyến nghị, cảnh báo đối với đối tượng giám sát ngân hàng căn cứ vào một hoặc kết hợp một số nội dung sau đây:

      a) Khi kết quả giám sát thể hiện dưới hình thức chỉ tiêu định lượng của đối tượng giám sát ngân hàng vượt ngưỡng cảnh báo;

      b) Trên cơ sở áp dụng phương pháp chuyên gia khi đánh giá, phân tích các thông tin định tính phản ánh các rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng từ kết quả giám sát kết hợp với kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán độc lập, kết luận kiểm toán nội bộ, thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước khác;

      c) Khi có yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

      3. Khi nhận được các khuyến nghị, cảnh báo, đối tượng giám sát ngân hàng phải có trách nhiệm kịp thời báo cáo, giải trình các khuyến nghị, cảnh báo theo yêu cầu của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng bao gồm tối thiểu các nội dung như thực trạng, nguyên nhân và kế hoạch khắc phục. Thời hạn nộp báo cáo, giải trình của đối tượng giám sát ngân hàng được nêu cụ thể trong văn bản khuyến nghị, cảnh báo gửi đối tượng giám sát ngân hàng. Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện khuyến nghị, cảnh báo của đối tượng giám sát ngân hàng.

      4. Trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng quy định tại Điều 21 Thông tư này.

      Áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng được quy định như thế nào?

      Tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 23 Thông tư 08/2022/TT-NHNN (Có hiệu lực từ 01/09/2022) quy định áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng được quy định như sau:

      1. Thẩm quyền quyết định việc can thiệp sớm quy định tại Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung):

      a) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng thuộc trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;

      b) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, quyết định can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng (không bao gồm chi nhánh của tổ chức tín dụng) thuộc trách nhiệm giám sát của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

      2. Căn cứ kết quả giám sát ngân hàng và quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung), đơn vị thực hiện giám sát an toàn vi mô thực hiện:

      a) Trình Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

      b) Trình Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

      3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) báo cáo thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện. Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh phương án khắc phục nếu xét thấy cần thiết.

      Việc xây dựng, điều chỉnh phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng phải căn cứ vào thực trạng hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng và phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

      4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu điều chỉnh, bổ sung phương án khắc phục, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh phương án khắc phục (đã điều chỉnh, bổ sung) và tổ chức triển khai thực hiện.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn