Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị phạt bao nhiêu tiền?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 27/08/2022

Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị phạt bao nhiêu tiền? Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Chào anh chị Luật sư. Tuần trước khi đang rút tiền tại cây ATM của ngân hàng thì em vô tình thấy hai người đang thực hiện việc trao đổi mua bán 3 thẻ ngân hàng và em có thắc mắc là việc mua bán này có bị xử phạt hành chính không? Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nữa hay không?

Mong anh chị Luật sư tư vấn. Em cảm ơn. 

    • 1. Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng bị phạt bao nhiêu tiền?

      Tại Khoản 5, Khoản 9, Khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điểm c Khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định xử lý hành vi vi phạm quy định về hoạt động thanh toán, như sau:

      5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

      a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

      b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

      9. Hình thức xử phạt bổ sung:

      Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm b khoản 5 và điểm c, d khoản 6 Điều này.

      10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      a) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

      b) Không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d khoản 6, điểm c khoản 7 và điểm a khoản 8 Điều này;

      c) Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi văn bản chấp thuận hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đối với hành vi vi phạm tại điểm đ khoản 6 Điều này.

      Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền, theo đó:

      a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;

      b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;

      c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;

      d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

      Theo đó, khi có hành vi vi phạm thì cá nhân có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng và còn bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Đối với tổ chức thì mức phạt sẽ từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng.

      2. Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

      Căn cứ Điều 291 Bộ luật hình sự 2015 quy định xử lý tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, như sau:

      1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

      a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

      b) Có tổ chức;

      c) Có tính chất chuyên nghiệp;

      d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

      đ) Tái phạm nguy hiểm.

      3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

      a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

      b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

      4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

      Như vậy, tùy theo số lượng tài khoản và số tiền thu lợi bất chính từ việc mua bán tài khoản mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn