Ngân hàng hợp tác xã ghi nhận doanh thu theo nguyên tắc nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 12/10/2017

Nguyên tắc ghi nhận doanh thu của Ngân hàng hợp tác xã được quy định thế nào? Xin chào các chuyên gia Thư Ký Luật. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Gần đây, tôi có tìm hiểu thêm về lĩnh vực tài chính ngân hàng cụ thể là hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đó có loại hình Ngân hàng hợp tác xã. Qua một vài tài liệu, tôi được biết, hiện nay, doanh thu của Ngân hàng hợp tác xã được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Tôi thắc mắc vậy Ngân hàng hợp tác xã ghi nhận doanh thu theo nguyên tắc nào? Nội dung này tôi có thể tham khảo thêm tại đâu? Rất mong sớm nhận được phản hồi từ Quý chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe!  

Đặng Nhật Minh (minh***@gmail.com)

    • Ngày 08/07/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 93/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Ngân hàng hợp tác xã.

      Theo đó, nguyên tắc ghi nhận doanh thu của Ngân hàng hợp tác xã là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Thông tư 93/2013/TT-BTC. Cụ thể như sau:

      a) Đối với hoạt động tín dụng.

      - Thu lãi từ hoạt động cấp tín dụng:

      Ngân hàng hạch toán số lãi phải thu phát sinh trong kỳ vào thu nhập đối với các khoản nợ được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích dự phòng rủi ro cụ thể theo quy định.

      Đối với số lãi phải thu phát sinh trong kỳ của các khoản nợ còn lại thì không phải hạch toán thu nhập, Ngân hàng thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh.

      - Thu lãi tiền gửi: là số lãi phải thu trong kỳ.

      b) Thu từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu):

      Ngân hàng hạch toán dự thu đối với số lãi dự kiến thu được từ hoạt động kinh doanh các loại chứng khoán (trừ cổ phiếu). Trường hợp đến kỳ hạn thu gốc nhưng không thu được Ngân hàng không hạch toán dự thu lãi cho kỳ tiếp theo.

      c) Đối với thu lãi góp vốn: cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn là số lãi được chia khi có nghị quyết hoặc quyết định chia.

      d) Đối với các khoản thu về chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại ngoại tệ và vàng, thực hiện ghi nhận theo quy định tại chuẩn mực kế toán và các quy định pháp luật hiện hành.

      đ) Đối với doanh thu từ hoạt động còn lại: doanh thu là toàn bộ tiền bán sản phẩm, hàng hoá, cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ được khách hàng chấp nhận thanh toán sau khi trừ (-) khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và giá trị hàng bán bị trả lại (nếu có chứng từ hợp lệ) không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.

      e) Đối với các khoản doanh thu phải thu đã hạch toán vào thu nhập nhưng đến kỳ hạn thu không thu được thì Ngân hàng hạch toán giảm doanh thu nếu cùng kỳ kế toán hoặc hạch toán vào chi phí nếu khác kỳ kế toán và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào thu hoạt động kinh doanh.

      Cũng theo quy định này, các khoản thu của Ngân hàng phát sinh trong kỳ phải có hoá đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu.

      Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về nguyên tắc ghi nhận doanh thu của Ngân hàng hợp tác xã. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 93/2013/TT-BTC.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn