Người phát hiện tiền nghi giả dịp Tết Nguyên đán nhưng không tạm giữ bị xử phạt như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 24/01/2023

Xin hỏi mức xử phạt hành chính với người phát hiện tiền nghi giả dịp Tết Nguyên đán nhưng không tạm giữ ra sao? - Câu hỏi của Thanh Tuyên (Hoà Bình).

    • Người phát hiện tiền nghi giả dịp Tết Nguyên đán nhưng không tạm giữ bị xử phạt như thế nào?

      Theo quy định điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam như sau:

      Vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam
      1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
      a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;
      b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;
      c) Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;
      d) Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.
      2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
      a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;
      b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;
      c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.

      Tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

      Hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả
      ...
      3. Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền:
      a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;
      b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
      c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
      d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.

      Căn cứ quy định trên, người phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

      (Hình từ Internet)

      Cách nhận biết tiền giả dịp Tết Nguyên đán như thế nào?

      Theo quy định Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN quy định về tiền giả như sau:

      Giải thích từ ngữ
      Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
      1. Tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.
      2. Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản.
      3. Tiền nghi giả là tiền chưa kết luận được là tiền thật hay tiền giả.
      4. Đặc điểm bảo an là những đặc điểm có trên đồng tiền để phân biệt tiền thật, tiền giả.
      5. Khách hàng là tổ chức, cá nhân giao dịch tiền mặt với Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

      Căn cứ quy định trên, những loại tiền không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành mà làm giống như tiền Việt Nam đều là tiền giả.

      Một số cách chúng ta có thể kiểm tra thông qua đặc điểm bảo an để phân biệt tiền thật, tiền giả như sau:

      - Kiểm tra chất liệu polymer in tiền:

      + Tiền thật: in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao.

      Có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn.

      + Tiền giả: chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi và độ bền như tiền thật.

      Khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.

      - Soi tờ tiền trước nguồn sáng:

      + Tiền thật: hình bóng chìm bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền: nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, đường nét tinh xảo và sáng trắng.

      Nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.

      + Tiền giả: hình bóng chìm chỉ là hình ảnh không tinh xảo; hình không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

      Trách nhiệm thu giữ tiền giả thuộc về cơ quan nào?

      Căn cứ Điều 4 Thông tư 28/2013/TT-NHNN quy định về trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả như sau:

      - Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Sở Giao dịch), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

      - Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được tập huấn kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền.

      Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn