Số lượng thành viên ban kiểm soát tối đa của tổ chức tín dụng?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 30/06/2022

Số lượng thành viên ban kiểm soát tối đa trong tổ chức tín dụng? Trưởng ban kiểm soát có được biểu quyết trong cuộc họp của Hội đồng quản trị không? Ban kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

    • Số lượng thành viên ban kiểm soát tối đa của tổ chức tín dụng?

      Căn cứ Khoản 2 Điều 44 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:

      Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng có ít nhất 03 thành viên, số lượng cụ thể do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định, trong đó phải có ít nhất một phần hai tổng số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chức vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.

      Như vậy, đối với thành viên ban kiểm soát thì tối thiểu có 03 thành viên trong tổ chức tín dụng và không quy định số lượng tố đa, tùy từng cơ cấu và sự sắp xếp nhân sự hợp lý trong công ty.

      Trưởng ban kiểm soát có được biểu quyết trong cuộc họp của Hội đồng quản trị không?

      Căn cứ Khoản 5 Điều 46 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định quyền và nghĩa vụ của Trưởng ban kiểm soát như sau:

      Tham dự cuộc họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

      Theo đó, đối chiếu với quy định pháp luật có thể thấy Trưởng ban kiểm soát sẽ không được biểu quyết trong trường hợp trên.

      Ban kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

      Căn cứ theo quy định tại Điều 148 Luật tổ chức tín dụng 2010, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt được quy định như sau:

      1. Ban kiểm soát đặc biệt có những nhiệm vụ sau đây:

      a) Chỉ đạo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động;

      b) Chỉ đạo và giám sát việc triển khai các giải pháp được nêu trong phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được Ban kiểm soát đặc biệt thông qua;

      c) Báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động, kết quả thực hiện phương án củng cố tổ chức và hoạt động.

      2. Ban kiểm soát đặc biệt có những quyền hạn sau đây:

      a) Đình chỉ hoạt động không phù hợp với phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua, vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng có thể gây tổn hại đến lợi ích của người gửi tiền;

      b) Đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng của thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) nếu xét thấy cần thiết;

      c) Yêu cầu Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án củng cố tổ chức và hoạt động đã được thông qua;

      d) Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt hoặc chấm dứt cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, thanh lý, thu hồi giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, tiếp quản, sáp nhập, hợp nhất, mua lại bắt buộc tổ chức tín dụng;

      đ) Yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

      3. Ban kiểm soát đặc biệt chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong quá trình thực hiện kiểm soát đặc biệt.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn