Trong trường hợp nào thì Tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 30/08/2022

Trong trường hợp nào thì Tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt? Quy định về các loại cổ phần, cổ đông của tổ chức tín dụng? 05 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt?

    • Trong trường hợp nào thì Tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt?

      Theo tôi được biết các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thực hiện các hoạt động tín dụng tại Việt Nam dưới sự kiểm soát của Ngân hàng nhà nước. Anh chị cho tôi hỏi tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt trong trường hợp nào? Mong anh chị giải đáp giúp tôi, cảm ơn anh chị rất nhiều

      Tại Khoản 27 Điều 1 Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 quy định:

      1. Tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

      - Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

      - Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

      - Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục;

      - Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

      Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

      Trên đây là quy định về trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

      Các loại cổ phần, cổ đông của tổ chức tín dụng

      Xin chào, tôi là Đức Hải. Hiện tại tôi đang tìm hiểu về quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực các tổ chức tín dụng. Trong quá trình tìm hiểu các quy định liên quan đến vấn đề này tôi có rất nhiều thắc mắc chưa giải đáp được. Cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành thì Các loại cổ phần, cổ đông của tổ chức tín dụng được quy định cụ thể ra sao? Và nó được quy định trong văn bản nào? Mong các bạn giải đáp giúp tôi. Xin cảm ơn!

      Theo quy định tại Điều 52 Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Khoản 12 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 thì Các loại cổ phần, cổ đông của tổ chức tín dụng được quy định cụ thể như sau:

      1. Tổ chức tín dụng cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

      2. Tổ chức tín dụng có thể có cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

      a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

      b) Cổ phần ưu đãi biểu quyết.

      3. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng và chỉ được trả khi tổ chức tín dụng có lãi. Trường hợp tổ chức tín dụng kinh doanh thua lỗ hoặc có lãi nhưng không đủ để chia cổ tức cố định thì cổ tức cố định trả cho cổ phần ưu đãi cổ tức được cộng dồn vào các năm tiếp theo. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng do Đại hội đồng cổ đông quyết định và được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Tổng giá trị mệnh giá của cổ phần ưu đãi cổ tức tối đa bằng 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

      Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý, người điều hành khác của tổ chức tín dụng không được mua cổ phần ưu đãi cổ tức do tổ chức tín dụng đó phát hành. Người được mua cổ phần ưu đãi cổ tức do Điều lệ của tổ chức tín dụng quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

      Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền như cổ đông phổ thông, trừ quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

      4. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Quyền ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày tổ chức tín dụng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền như cổ đông phổ thông, trừ quyền chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

      5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

      6. Tổ chức tín dụng cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa, trừ ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt đang thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc quy định tại Mục 1đ Chương VIII của Luật này.

      Trên đây là nội dung tư vấn về Các loại cổ phần, cổ đông của tổ chức tín dụng. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật các tổ chức tín dụng 2010.

      05 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt

      Tôi đang tìm hiểu về các loại hình tổ chức tín dụng và muốn nhờ Ban biên tập cung cấp giúp tôi các thông tin về liên quan đến những phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Mong sớm nhận được sự giải đáp. Xin cảm ơn!

      Pháp luật hiện hành của nước ta quy định: Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.

      (Tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.)

      Theo đó, tại Khoản 2 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 có quy định về các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như sau:

      Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (sau đây gọi là phương án cơ cấu lại) là một trong các phương án sau đây:

      - Phương án phục hồi;

      - Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;

      - Phương án giải thể;

      - Phương án chuyển giao bắt buộc;

      - Phương án phá sản.

      Trong đó:

      + Phương án phục hồi là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt.

      + Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là phương án áp dụng khi có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất, có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

      + Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao.

      Trên đây là nội dung giải đáp về các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn