Các dấu hiệu cơ bản của tội cản trở giao thông đường thủy

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/02/2017
Các dấu hiệu cơ bản của Tội cản trở giao thông đường thủy được pháp luật quy định như thế nào?
    • Theo quy định của pháp luật Tội cản trở giao thông đường thủy có các dấu hiệu cơ bản sau đây:

      1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

      Cũng tương tự như chủ thể của tội cản trở giao thông đường bộ hoặc đường sắt, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người đã đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này.

      Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự vì tội phạm này được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng.

      Khác với hành vi cản trở giao thông đường sắt, nếu chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác mà người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường thủy là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp này lại tương tự với tội cản trở giao thông đường bộ.

      2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm

      Khách thể của tội phạm này là an toàn giao thông đường thủy.

      Đối tượng tác động của tội phạm này là công trình giao thông đường thủy bao gồm: luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vùng, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, đường nối liền các đảo thuộc nội thủy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      3. Các dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm

      a) Hành vi khách quan

      Người phạm tội này có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

      - Khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy;

      - Tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu;

      - Di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu;

      - Tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy;

      - Lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy;

      - Hành vi khác cản trở giao thông đường thủy.

      Các hành vi được liệt kê trên đều được quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa. Ví dụ khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 quy định các hành vi bị cấm: phá hoại công trình giao thông đường thủy nội địa; tạo chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy nội địa; mở cảng, bến thủy nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định; xây dựng trái phép, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thủy nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng.

      Tuy nhiên, khi xác định hành vi cản trở giao thông đường thủy, còn phải căn cứ vào hành vi cụ thể đã được quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 213 Bộ luật hình sự và căn cứ vào các quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa.

      b) Hậu quả

      Cũng như đối với một số tội vi phạm an toàn giao thông khác, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường thủy mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật.

      Việc xác định thiệt hại cũng tương tự như đối với tội vi phạm quy định về an toàn giao thông.

      Trong khi chưa có hướng dẫn chính thức, có thể áp dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với Điều 202 Bộ luật hình sự để xác định thiệt hại tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi cản trở giao thông đường thủy gây ra, vì hành vi cản trở giao thông đường thủy cũng trực tiếp gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tài sản.

      Nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.

      c) Các dấu hiệu khách quan khác

      Ngoài hành vi khách quan, hậu quả, đối với tội cản trở giao thông đường thủy, nhà làm luật quy định một số dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm như: luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vùng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy.

      Các dấu hiệu thuộc khách quan này cũng được quy định tại Luật giao thông đường thủy nội địa.

      4. Các dấu hiệu thuộc về chủ quan của tội phạm

      Cũng như đối với tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường thủy là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin).

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn