Các dấu hiệu cơ bản của tội môi giới mại dâm

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Các dấu hiệu cơ bản của Tội môi giới mại dâm được pháp luật quy định như thế nào?
    • Tội môi giới mại dâm bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau:

      1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

      Cũng tương tự như đối với tội chứa mại dâm, chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.

      2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm.

      Cũng như đối với tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm là tội phạm xâm phạm đến đạo đức , thuần phong, mỹ tục, đến đời sống văn hóa, trật tự trị an xã hội

      3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

      a) Hành vi khách quan

      Hành vi mội giới mại dâm của người phạm tội được thực hiện với thủ đoạn khác nhau như: dụ dỗ hoặc dẫn dắt với vai trò người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm.

      Trước hết phải xác định người phạm tội môi giới mại dâm phải là người làm trung gian cho người mua dâm và người bán dâm, nhưng không nhất thiết phải biết cụ thể người bán dâm cho người nào hoặc người mua dâm với ai. Ví dụ: Nguyễn Văn L làm nghề xe ôm, L biết Vũ Thi C là gái bán dâm, L đã nhiều lần chở C đến khách sạn hoặc nhà nghỉ để C bán dâm cho khách, L chỉ biết chở C đến khách sạn, nhà nghỉ là để C bán dâm còn bán dâm cho ai thì L không biệt cụ thể. Hành vi của L vẫn là hành vi môi giới mại dâm. Làm trung gian để thực hiện việc mua dâm, bán dâm khác với trường hợp làm trung gian trong các lĩnh vực khác nhật thiết người làm trung gian phải biết hai bên mà mình làm trung gian.

      Khi xác định hành vi môi giới mại dâm cần phân biệt với hành vi của người đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm có tổ chức; nếu tách riêng hành vi của người đồng phạm thì chỉ có thể xác định là hành vi môi giới mại dâm nhưng hành vi này là hàn vi giúp sức cho việc chứa mại dâm. Ví dụ: Nguyễn Thị T là chủ tiệm làm đầu ( cắt tóc và gội đầu). T được Phạm Thanh B giao nhiệm vụ nếu có khách đến tiệm làm đầu thì gợi ý để khách mua dâm, khi khách mua dâm đồng ý thì chỉ cho khách đến nhà nghỉ của Phạm Thanh B để mua dâm, B sẽ trả cho T 50.000 đồng một khách mua dâm do T dắt mối. Hành vi của T nếu tách ra để xem xét một cách độc lập thì T chỉ phạm tội môi giới mại dâm, nhưng nếu xét trong mối quan hệ giữa B với T thì hành vi của T là hành vi chứa mại dâm với vai trò giúp sức cho người chứa mại dâm( tìm người mua dâm để thực hiện việc mua dâm)

      Ngược lại, người có hành vi tưởng như đó là hành vi chứa mại dâm nhưng đó là hành vi môi giới mại dâm, nếu như hành vi đó không phải là đồng phạm trong vụ án chứa mại dâm. Ví dụ: Lê Thị V là chủ nhà nghỉ Hồng Vân ngày 14-11-2004 có 3 người đàn ông đến thuê phòng trọ và gợi ý với V là tìm gái mại dâm cho họ. V đồng ý nhưng với điều kiện là đi chỗ khác chứ không được thực hiện việc môi giới mại dâm ở trong phòng ngủ. V đã gọi 3 cô gái mại dâm cho 3 người đàn ông, sau đó họ đi đâu thì V không biết, sau khi mua dâm xong, 3 người đàn ông trở lại nhà nghỉ để trả công cho V 100.000 đồng.

      Trường hợp một hoặc một số người ( thường là những người đã có nhiều tiền án, tiền sự) “chăn dắt” một số gái mại dâm để chuyên cung cấp cho các khách sạn, nhà nghỉ khi có yêu cầu thì cần phân biệt: nếu có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước, thành đường dây “ gái gọi” thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm với vai trò đồng phạm, nếu không có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới mại dâm với các tình tiết định khung là: có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội nhiều lần, đối với nhiều người hoặc tái phạm nguy hiểm.

      b) Hậu quả

      Đối với tội môi giới mại dâm, hậu quả cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì tùy trường hợp người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

      c) Các dấu hiệu khách quan khác

      Cũng như đối với tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm cũng không quy định các dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng cũng cần phải nghiên cứu các quy định của Nhà nước có liên quan đến mại dâm mà đực biệt là pháp lênh phòng, chống mại dâm ngày 17-3-2003 của UBTVQH. Ngoài ra, còn các văn bản của Chính phủ, các cơ quan liên quan, tổ chức liên quan đến phòng chống mại dâm (Nghị định số 178/2004/ NĐ- CP ngày 15-10-2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh,…)

      4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm

      Người phạm tội môi giới mại dâm thực hiện hàn vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết rõ việc dụ dỗ, dẫn dắt người mua dâm hoặc người bán dâm để họ thực hiện việc mua dâm, bán dâm. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không biết hoặc không thể biết có việc mua bán dâm thì không phạm tội môi giới mại dâm.

      Ví dụ: Mai Ngọc T làm nghề xe ôm trước cửa khách sạn “ Thăng Long”. T biết Chu Thị H là nhân viên khách sạn thường ngày đi xe của T. Ngày 4-6-2004, H nhờ T chở H đến nhà nghỉ Quỳnh Hương, H bảo T chờ ở ngoài để chở H về khách sạn Thăng Long. Khi H vào trong nhà nghỉ được 30 phút thì H bị Công an bắt quả tang đang bán dâm cho khách. Do đã bị các trinh sát theo dõi từ trước, nên sau khi bắt quả tang H đang bán dâm thì đồng thời các chiến sỹ cảnh sát cũng bắt luôn cả T. Tuy nhiên, sau khi xác minh thấy T hoàn toàn không biết H đến nhà nghỉ Quỳnh Hương là để mua dâm nên cơ quan điều tra đã quyết định không khởi tổ đối với Mai Ngọc T.

      Động cơ của người phạm tội môi giới mại dâm chủ yếu là do tư lợi hoặc vù động cơ cá nhân khác; động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội cũng rất quan trọng có ý nghĩa đến việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội, động cơ càng xấu mức hình phạt sẽ càng nặng và người lại.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn