Cấu thành tội phạm của Tội chiếm giữ trái phép tài sản

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 26/01/2019

Một người có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản người khi có các dấu hiệu nào?

    • Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định:

      "Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

      1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm."

      Như vậy: Căn cứ quy định trên đây thì có thể xác định cấu thành tội phạm của Tội chiếm giữ trái phép tài sản cụ thể như sau:

      1. Về mặt khách quan của tội phạm:

      - Về hành vi:

      + Người phạm tội có được tài sản là do bị bị giao nhầm hoặc do người phạm tội tìm được, bắt được.

      + Người phạm tội có hành vi cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã có yêu cầu hoặc thông báo của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hợp pháp hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

      - Về mặt hậu quả: Tài sản bị giao nhầm, tìm được, nhặt được có giá từ 10.000.000 đồng đã bị người phạm tội sử dụng và không thể thu hồi lại được, trừ trường hợp tài sản là tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

      2. Về mặt chủ quan của tội phạm:

      - Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý trực tiếp.

      Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người bị hại, đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác bị chiếm giữ trái pháp luật và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

      - Mục đích của hành vi phạm tội: Nhằm chiếm giữ tài sản của người bị hại trái pháp luật.

      3. Mặt khách thể của tội phạm:

      Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.

      4. Về mặt chủ thể của tội phạm:

      Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.

      Hình phạt đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản:

      Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.

      Tùy vào trừng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

      Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn