Che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm - Vấn đề cần được xã hội quan tâm

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 11/02/2017

Che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm - Vấn đề cần được xã hội quan tâm

    • Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trước hết chúng ta cần phải hiểu như thế nào là che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm.

      - Theo quy định tại Điều 313 BLHS thì: "Che giấu tội phạm là hành vi của một người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội".

      Dấu hiệu nhận biết che giấu tội phạm là hành vi che giấu tội phạm là dạng hành động, Thời điểm là biết sau khi tội phạm được thực hiện thì mới che giấu người phạm tội; đồng thời với che giấu tội phạm thì đối tượng là bất kì ai có năng lực trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; hình phạt cao nhất đối với người bị truy cứu theo điều này cao nhất là 5 năm tù, còn nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn cao nhất là 7 năm tù.

      Về tội che giấu tội phạm có các dạng hành vi sau:

      Thứ nhất, che giấu người phạm tội, được hiểu là chứa chấp, nuôi giấu trong nhà, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu, giúp người phạm tội bỏ trốn …

      Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm, đó là tẩy xóa, làm thay đổi, làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm.

      Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm là hành vi cất giấu, huỷ hoại hoặc làm biến dạng công cụ, phương tiện mà người phạm tội dùng vào việc thực hiện tội phạm, tiền hoặc tài sản bị can chiếm đoạt được…

      Thứ tư, hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội cũng chính là không muốn cho tội phạm bị phát hiện, xử lý theo pháp luật

      - Theo quy định tại Điều 314 BLHS thì: "Không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền".

      Dấu hiệu nhận biết không tố giác tội phạm là hành vi không tố giác tội phạm là dạng không hành động, Thời điểm là biết trước, sau hoặc đang khi tội phạm được thực hiện ; đồng thời với không tố giác tội phạm thì đối tượng là người có năng lực trách nhiệm hình sự trừ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị, em ruột vợ hoặc chồng của người phạm tội nếu tội phạm đó không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội khác đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này; hình phạt cao nhất đối với người bị truy cứu theo điều này cao nhất là 3 năm tù.

      Về tội không tố giác tội phạm có dạng hành vi sau:

      - Họ không trình báo với cơ quan có thẩm quyền về việc tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà mình biết rõ.

      Tuy nhiên, không phải bất cứ ai có hành vi nêu trên thì đều bị xử lý về tội không tố giác tội phạm. Trường hợp vì lý do khách quan khiến một người không có khả năng tố giác thì hành vi không tố giác đó không bị coi là hành vi phạm tội.

      Ngoài ra, người không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị em ruột, vợ, chồng của người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không tố giác tội phạm trong một số trường hợp:Đối với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia và những loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…Quy định này là sự ghi nhận mối quan hệ tình cảm gia đình sâu nặng vốn là một trong những nét đặc trưng của truyền thống đạo đức người Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung.

      Đồng thời, luật cũng quy định, người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

      Do đó, chúng ta cần phân biệt đúng – sai, phải có bản lĩnh, lý trí vững vàng để vượt lên trên tình cảm từ đó có xử sự phù hợp. Việc xử sử phù hợp đó không những giúp người phạm tội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật mà còn giúp chúng ta tránh được "vòng lao lý".

      Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể cần phải có đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân. Cần tổ chức nhiều phiên xử lưu động vụ án có người phạm các tội này để tăng cường công tác phòng chống tội phạm.Từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về hai tội danh này, để an ninh, trật tự xã hội sẽ ngày càng được đảm bảo, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh và thịnh vượng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn