Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác?
    • Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội; là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt.

      Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, chỉ với những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

      Trước hết, người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn.

      Người có chức vụ, quyền hạn là người đã được nêu ở phần khái niệm các tội phạm về chức vụ. Nếu so sánh với tội tham ô tài sản thì người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác không phải là người có liên quan đến việc quản lý tài sản; còn nếu so sánh với tội nhận hối lộ thì người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như người nhận hối lộ ở phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội rộng hơn; khác nhau ở chỗ người phạm tội nhận hối lọ lại không có hành vi chiếm đoạt tài sản mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người đưa hối lộ. Nếu chỉ xét về yếu tố chủ thể thì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác và tội nhận hối lộ có nhiều điểm tương đồng, chỉ cần căn cứ vào Điều 4 Luật cán bộ, công chức và khoản 3 Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng như đã phân tích ở các phần trên để xác định thế nào là người có chức vụ, quyền hạn.

      Nếu người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương XXI, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác đã cấu thành tội phạm và người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác.

      Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người đồng phạm khác trong vụ án thì họ cũng chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

      Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 280 vì các trường hợp quy định tại các khoản trên là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những người này họ chỉ có thể là đồng phạm trong vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác với vai trò là người giúp sức, vì những người này chưa thể trở thành cán bộ, công chức.

      Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn