Chuẩn bị phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 được quy định như thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 03/07/2017

Chuẩn bị phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Trần Thùy, công tác tại Huế. Tôi đang tìm hiểu về vấn đề chuẩn bị phạm tội. Cho tôi hỏi chuẩn bị phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 được quy định như thế nào? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. (0905***)   

    • Theo quy định tại Điều 14 Bộ Luật Hình sự 2015 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) thì: Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại Điều 109, điểm a khoản 2 Điều 113 hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 của Bộ luật này.

      Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:

      Một là, Điều 108 (tội phản bội Tổ quốc); Điều 110 (tội gián điệp); Điều 111 (tội xâm phạm an ninh lãnh thổ); Điều 112 (tội bạo loạn); Điều 113 (tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 114 (tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 117 (tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); Điều 118 (tội phá rối an ninh); Điều 119 (tội chống phá cơ sở giam giữ); Điều 120 (tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân); Điều 121 (tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân);

      Hai là, Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác);

      Ba là, Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản);

      Bốn là, Điều 299 (tội khủng bố); Điều 300 (tội tài trợ khủng bố); Điều 301 (tội bắt cóc con tin); Điều 302 (tội cướp biển); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 324 (tội rửa tiền).

      Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi chuẩn bị phạm tội Điều 123 (tội giết người); Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 168 (tội cướp tài sản); Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản).

      Như vậy, theo quy định này thì nội dung về chuẩn bị phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 có sự thay đổi so với Bộ Luật Hình sự 1999. Cụ thể, Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định bổ sung về Điều khoản loại trừ trong định nghĩa về chuẩn bị phạm tội, thêm vào đó Điều luật còn quy định chi tiết các trường hợp chuẩn bị phạm tội phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này cho thấy, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội trong Bộ Luật Hình sự 2015 có sự thu hẹp, quy định này tạo điều điện thuận lợi trong việc dễ dàng xác định trách nhiệm hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chuẩn bị phạm tội. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Bộ Luật Hình sự 2015.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn