Con gái tôi có được yêu cầu giữ bí mật thông tin về mình?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/09/2016

Con gái tôi đang là học sinh cấp 3 thì bị người bạn quen trên mạng lừa bán sang Trung Quốc. Sau khi trốn thoát được về nhà, gia đình tôi đã đi khai báo với cơ quan Công an và sau đó vụ việc được Tòa án nhân dân huyện quyết định đưa vụ án ra xét xử. Gia đình tôi và cháu không muốn nhiều người biết chuyện sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của cháu nên đã làm đơn đề nghị Tòa án xét xử kín. Xin hỏi đề nghị này của gia đình tôi và cháu có được Tòa án chấp nhận không? Con tôi được hưởng những quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?

    • Nhằm tránh những tổn thương về tinh thần và bảo vệ danh dự, tạo điều kiện cho nạn nhân sau này dễ hòa nhập cộng đồng, Điều 31 Luật phòng, chống mua bán người quy định việc bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân như sau:

      “1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

      2. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.”

      Đối chiếu với quy định trên thì cháu hoặc cha, mẹ cháu là người đại diện hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân huyện xét xử kín và Tòa án có trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu này của cháu và gia đình.

      Theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người thì nạn nhân của mua bán người có các quyền và nghĩa vụ sau:

      “Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân

      1. Đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích khi bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản.

      2. Được hưởng các chế độ hỗ trợ và được bảo vệ theo quy định của Luật này.

      3. Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

      4. Cung cấp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

      5. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến vụ việc mua bán người.

      Điều 32. Đối tượng và chế độ hỗ trợ

      1. Nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định tại các điều 33, 34, 35, 36, 37 và 38 của Luật này được hưởng các chế độ hỗ trợ sau đây:

      a) Hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại;

      b) Hỗ trợ y tế;

      c) Hỗ trợ tâm lý;

      d) Trợ giúp pháp lý;

      đ) Hỗ trợ học văn hóa, học nghề;

      e) Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

      2. Nạn nhân là người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, thì tùy trường hợp quy định tại các điều 33, 34, 35 và 36 của Luật này được hưởng các chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

      3. Người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, thì tùy trường hợp quy định tại các điều 33, 34 và 35 của Luật này được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này.

      4. Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.

      Điều 33. Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại

      Trong trường hợp cần thiết, nạn nhân được bố trí chỗ ở tạm thời, được hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác trên cơ sở điều kiện thực tế và đặc điểm về lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú mà không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ các khoản chi phí này.

      Điều 34. Hỗ trợ y tế

      Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nếu nạn nhân cần được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe thì được xem xét hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh.

      Điều 35. Hỗ trợ tâm lý

      Nạn nhân được hỗ trợ để ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân

      Điều 36. Trợ giúp pháp lý

      1. Nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người.

      2. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

      Điều 37. Hỗ trợ học văn hóa, học nghề

      1. Nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo, nếu tiếp tục đi học thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên.

      2. Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề.

      Điều 38. Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn

      1. Nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

      2. Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét tạo điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

      Điều 39. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân

      1. Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.

      2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú.

      3. Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân.

      4. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.

      5. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân.”

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn