Điều khiển xe máy không có phanh gây ra tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 26/11/2022

Điều khiển xe máy không có phanh gây ra tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Xe máy không có phanh bị phạt bao nhiêu tiền? Xe máy không có phanh có bị tịch thu phương tiện không?

Chào Ban biên tập, em có vấn đề cần được giải đáp. Xe máy của chú em (tên H) bị hư phanh nhưng chưa sửa. Không may là ngày 23/11 vì xe không có phanh nên chú H đã tông phải chị M đang đi bộ qua đường, chị M bị thương cũng khá nặng nhưng không biết chính xác bị tổn thương bao nhiêu phần trăm. Cho em hỏi với trường hợp này thì chú H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Rất mong được Ban biên tập giải đáp, em cảm ơn.

    • Điều khiển xe máy không có phanh gây ra tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Điều khiển xe máy không có phanh gây ra tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

      Tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

      1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

      a) Làm chết người;

      b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

      c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

      d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

      a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

      b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

      c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

      d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

      đ) Làm chết 02 người;

      e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

      g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

      3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

      a) Làm chết 03 người trở lên;

      b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

      c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

      4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

      5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Như vậy, theo quy định trên đối với trường hợp chú H điều khiển xe máy không có phanh và gây ra tai nạn giao thông thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc có bị truy cứu hay không còn phụ thuộc vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị M, nếu như tỷ lệ tổn thương 61% trở lên thì chú H sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Lúc đấy chú H có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

      Tuy nhiên, vẫn còn phụ thuộc vào kết quả của cơ quan điều tra, tỷ lệ tổn thương cơ thể và mức độ hành vi thì mới đưa ra kết luận được là chú H có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

      2. Xe máy không có phanh bị phạt bao nhiêu tiền?

      Theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bỏ bởi Điểm đ Khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:

      1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

      a) Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng;

      c) Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng;

      d) Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe;

      đ) Điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;

      e) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;

      g) Điều khiển xe không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không có tác dụng, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

      h) Điều khiển xe lắp đèn chiếu sáng về phía sau xe.

      Do đó, theo quy định trên xe máy không có phanh thì người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

      3. Xe máy không có phanh có bị tịch thu phương tiện không?

      Căn cứ Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông như sau:

      4. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

      a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này bị tịch thu còi;

      b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này bị tịch thu Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa;

      c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

      d) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

      đ) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều này trong trường hợp không có Giấy đăng ký xe hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, không đúng số khung, số máy của xe hoặc bị tẩy xóa mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

      Như vậy, hiện tại pháp luật vẫn chưa có quy định nào về việc xe máy không có phanh thì bị tịch thu phương tiện.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn