Hành khách trên xe bị tai nạn được bổi thường thế nào?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 14/09/2016

Ngày 8/9/2015, tôi bắt xe khách tại bến xe Mỹ Đình – Hà Nội để về thăm quê ở Tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, tôi không mua vé tại quầy mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói với người quản lý xe. Khi xe đi đến km24 đoạn từ Tp Tuyên Quang đến Thị trấn Hàm Yên, xe khách gặp tai nạn do đi quá tốc độ khiến tôi bị thương. Tôi bị gãy chân và xương bả vai. Trong trường hợp của tôi, chủ xe phải bồi thường cho tôi như thế nào theo pháp luật và việc tôi không mua vé có ảnh hưởng gì không?

    • Trước tiên, tuy bạn không mua vé để đi xe khách nhưng cũng như các loại hợp đồng dân sự thông dụng khác, hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách rất đa dạng, tùy thuộc vào từng loại phương tiện vận chuyển, có thể được ký kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Cho nên, việc bạn và chủ xe thực hiện việc thỏa thuận bằng lời nói mà không mua vé tại quầy vẫn hoàn toàn đúng pháp luật, nên quyền lợi của bạn vẫn sẽ được đảm bảo dù bạn không mua vé. Tuy nhiên, nếu trong quá trình giải quyết chủ xe không thừa nhận việc thỏa thuận bằng lời nói giữa bạn và chủ xe thì bạn có thể đưa ra một số căn cứ khẳng định sự thỏa thuận bằng lời nói như người làm chứng.

      Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được quy định tại Điều 533 Bộ luật Dân sự như sau:
      1. Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
      2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
      3. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.”

      Như vậy, bạn bị thương do xe khách gặp tai nạn do đi quá tốc độ thì sẽ được chủ xe bồi thường thiệt hại. Pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như sau:
      Thứ nhất, trên cơ sở tôn trọng sử tự thỏa thuận, bạn và chủ xe có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường.
      Thứ hai, bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu không thỏa thuận thành công về mức bồi thường với chủ xe. Có thể xảy ra các trường hợp sau:

      Trường hợp hành vi của tài xế hoặc chủ xe có dấu hiệu của tội phạm và bị khởi tố, xử lý về hình sự thì theo quy định tại Điều 28 – Bộ luật tố tụng hình sự. việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại cho bạn có thể được tiến hành cùng lúc với việc giải quyết vụ án hình sự Bạn phải nộp đơn yêu cầu bồi thường trực tiếp đến cơ quan đang tiến hành giải quyết (công an, viện kiểm sát hoặc tòa án).
      Trường hợp hành vi của tài xế hoặc chủ xe chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo Điều 25, 33, 35, 36 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 bạn có thể gửi đơn khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của hãng xe; nơi chủ xe cư trú; nơi bạn cư trú hoặc nơi xảy ra tai nạn.

      Pháp luật hiện hành quy định về thiệt hại trong trường hợp sức khỏe bị xâm phạm được quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại mục 1 Phần II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP như sau: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
      Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
      Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn