Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị phạt tiền như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 02/12/2022

Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị phạt tiền như thế nào? Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị xử lý hình sự như thế nào? Hủy hoại tài sản kê biên bị phạt tù như thế nào? 

Chào anh chị Luật sư. Tôi hiện đang làm việc tại Nha Trang, nơi tôi làm là nhà xưởng với nhiều thiết bị máy móc nhập khẩu hiện đại nhưng vừa qua có vài người không biết ở đâu cầm gậy vào đập phá đồ đạc trong nhà xưởng, ước tính thiệt hại là 500 triệu. Vậy Luật sư cho tôi hỏi là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị phạt tiền như thế nào?

Kính mong anh chị tư vấn. Tôi cảm ơn.

    • Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị phạt tiền như thế nào?
      (ảnh minh họa)
    • 1. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị phạt tiền như thế nào?

      Tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử lý vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

      2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này;

      b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

      c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

      d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

      đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;

      e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

      3. Hình thức xử phạt bổ sung:

      a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

      b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

      4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;

      b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;

      c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

      Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Theo đó, cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân đó có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

      Với tổ chức có cùng hành vi thì mức phạt tiền sẽ từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

      2. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác bị xử lý hình sự như thế nào?

      Theo Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cụ thể như sau:

      Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

      a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

      b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

      c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

      d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

      đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

      a) Có tổ chức;

      b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

      c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

      d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

      đ) Để che giấu tội phạm khác;

      e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

      g) Tái phạm nguy hiểm.

      3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

      4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

      5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Như vậy, tùy thuộc vào tính chất của hành vi, mức độ thiệt hại của hành vi gây ra mà cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất từ 06 tháng đến 20 năm.

      Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      3. Hủy hoại tài sản kê biên bị phạt tù như thế nào?

      Căn cứ Điều 385 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, theo đó:

      1. Người nào được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên, bị niêm phong hoặc vật chứng bị niêm phong, tài khoản bị phong tỏa mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

      a) Phá hủy niêm phong, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản mà không có quyết định của người có thẩm quyền;

      b) Tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại tài sản bị kê biên.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

      a) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch;

      b) Dẫn đến bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 100.000.000 đồng trở lên.

      3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Người được giao giữ, quản lý tài sản bị kê biên có hành vi hủy hoại tài sản kê biên sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      Ngoài ra, còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn