Làm sao để bắt người bị truy nã khi đã trốn ra nước ngoài?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/02/2017

Làm sao để bắt được người bị truy nã khi đã trốn ra nước ngoài? Thời gian gần đây, báo chí có đưa tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, theo một số thông tin thì ông này đã trốn ra nước ngoài và Bộ Công an đã truy nã ông này. Vậy cho tôi hỏi, làm sao để bắt giữ được ông ta khi đã ở nước ngoài? Pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

    • Trường hợp bạn đọc hỏi, do ông Trịnh Xuân Thanh mới chỉ bị khởi tố nên chỉ được xem là bị can chứ chưa phải là người phạm tội. Trong tình huống này, ông này đã là bị can và bị truy nã thì dù đã ở nước ngoài vẫn có thể bị bắt và dẫn giải về Việt Nam để tiến hành xét xử theo thủ tục dẫn độ.

      Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu bị can ở nước ngoài thì có thể dẫn độ về Việt Nam, căn cứ vào pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

      Việc dẫn độ sẽ được thực hiện theo Điều ước quốc tế đa phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam và quốc gia bắt giữ bị can cùng là thành viên hoặc Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và quốc gia đó (nếu có), pháp luật của quốc gia đó và pháp luật Việt Nam.

      Chẳng hạn, theo Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007, để yêu cầu dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải lập hồ sơ yêu cầu dẫn độ gửi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Hồ sơ yêu cầu dẫn độ phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ và các tài liệu liên quan kèm theo theo Điều 36, 37 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007.

      Việc dẫn độ sẽ thuận lợi hoặc khó khăn, được chấp nhận hoặc từ chối tùy theo quốc gia được yêu cầu dẫn độ, tùy theo quốc gia đó có Hiệp định Tương trợ tư pháp về dẫn độ với Việt Nam hay không và quy định của pháp luật nước đó. Nếu dẫn độ từ các quốc gia có Hiệp định Tương trợ tư pháp sẽ thuận lợi hơn so với các quốc gia khác.

      Giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức, Canada hoặc quốc gia khác mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ thì vẫn có thể dẫn độ trên cơ sở áp dụng các Điều ước quốc tế liên quan mà cả hai quốc gia là thành viên hoặc thỏa thuận ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế để dẫn độ.

      Tuy nhiên trường hợp này sẽ rất khó khăn, phức tạp hơn và thậm chí có thể không dẫn độ được. Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được yêu cầu dẫn độ sẽ căn cứ quy định của pháp luật của quốc gia sở tại và các Điều ước quốc tế, thỏa thuận liên quan giữa hai quốc gia để xem xét chấp nhận hoặc từ chối dẫn độ.

      Trên đây là quy định về bắt và dẫn giải người bị truy nã khi đã trốn ra nước ngoài. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007 để nắm rõ quy định này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn