Luật mới dễ hiểu nhầm về tội ngoại tình

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 08/09/2016
Em và chồng đã có em bé được 3 tháng tuổi, từ khi em có thai, chồng em lén lút quan hệ ngoại tình với một cô gái khác. Em sinh xong mới phát hiện ra, sau đó em đã ngăn cản. Chồng em hứa sẽ không đi lại nữa, em cũng đã nhờ cha mẹ hai bên khuyên can anh. Nhưng anh ấy vẫn cứ đi lại với người phụ nữ đó. Em muốn hỏi, em có thể kiện họ được về tội ngoại tình được không?
    • Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam chỉ thừa nhận chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Do đó, cá nhân có hành vi vi phạm nguyên tắc này tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự. Về trách nhiệm hình sự, khoản 1 điều 147 Bộ luật hình sự (BLHS) về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định:

      “1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

      Trong đó theo hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC- VKSNDTC, “chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”

      Bên cạnh đó, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng (làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…); hoặc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

      Tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nghĩa là đã bị xử phạt hành chính vềhành vi đã có vợ/ chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ/ chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có chồng/ vợ (chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng) nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính. Hình thức xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành là phạt tiền. Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 1 điều 7 luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp này là 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (01 năm kể kể từ ngày ra quyết định, trừ đi khoản thời gian cá nhân bị xử phạt có hành vi trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt (nếu có) – điều 74 luật xử lý vi phạm hành chính).

      Trở lại câu hỏi của bạn, trong thực tế cuộc sống hành vi “ngoại tình” được hiểu rộng hơn nhiều so với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng nhìn từ góc độ pháp lý nói trên. Và ở nhiều mức độ biểu hiện khác nhau: như nhắn tin qua điện thoại, gặp gỡ nhau, chung sống với nhau… đều có thể xem là ngoại tình. Tuy nhiên pháp luật chỉ quy định về “tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” chứ không có quy định về “tội ngoại tình”. Mà qua phần trình bày của bạn không nêu rõ hành vi “ngoại tình” của chồng bạn cụ thể là như thế nào. Do đó đối với câu hỏi của bạn chúng tôi xin đưa ra các trường hợp sau:

      Trường hợp chồng bạn chung sống như vợ chồng với cô gái kia thì bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi người chồng này và cô gái kia cư trú. Và như đã trình bày ở trên, nếu việc chung sống của họ đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng theo điều 147 BLHS nêu trên.

      Trường hợp họ chung sống với nhau nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 1 điều 48 nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

      Trường hợp chồng bạn không có chung sống như vợ chồng với cô gái kia thì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên bạn không có căn cứ để khởi kiện họ về tội phạm quy định tại điều 147 BLHS nêu trên.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn