Mặt khách quan của tội khủng bố

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 15/09/2016
Mặt khách quan của tội khủng bố được pháp luật quy định như thế nào?
    • Mặt khách quan của tội khủng bố bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau:

      a) Hành vi khách quan

      Người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau đây:

      - Hành vi xâm phạm tính mạng của người khác

      Hành vi xâm phạm tính mạng của người khác là hành vi gây ra chết người tương tự như đối với hành vi giết người; nhưng đối với hành vi giết người mà người bị giết không chết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt, nhưng đối với tội khủng bố hành vi xâm phạm tính mạng của người khác mà không có hậu quả chết người xảy ra thì vẫn phạm tội khủng bố nhưng là thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 230a chứ không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 230a Bộ luật hình sự.

      Xâm phạm tính mạng bao gồm nhiều hành vi khác nhau như: đặt mìn, bắn súng, ném bom, ném lựu đạn, đốt cháy, bỏ thuốc độc, tra tấn đến chết...

      - Hành vi phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

      Hành vi này cũng tương tự như hành vi phá hủy tài sản quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

      Hủy hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được và như vậy toàn bộ giá trị tài sản không còn. Ví dụ: dùng thuốc nổ đánh sập một tòa nhà cao tầng, một trụ sở của cơ quan, tổ chức hoặc một căn nhà của cá nhân; phá hủy phương tiện giao thông như: máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô...

      Hành vi phá hủy tài sản được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau tùy thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: đốt cháy, dùng thuốc nổ, dùng chất độc, hóa chất hoặc lợi dụng thiên tai để hủy hoại tài sản...

      Hành vi phá hủy tài sản mà tài sản không chỉ tương tự như đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật hình sự, mà còn bao gồm cả hành vi quy định tại các điều như: Điều 188 – tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Điều 189 – tội phá hủy rừng; Điều 231 – tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Điều 334 – tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

      - Hành vi xâm phạm tự do thân thể

      Hành vi xâm phạm tự do thân thể bao gồm các hành vi như: bắt, giam, giữ, trói...Tuy nhiên, đối với tội khủng bố, người phạm tội chủ yếu thực hiện hành vi bắt cóc làm con tin để đưa ra những yêu sách nhằm gây ra sự hoảng sợ trong công chúng.

      - Hành vi xâm phạm sức khỏe

      Hành vi xâm phạm sức khỏe tương tự như đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội khủng bố, người phạm tội xâm phạm đến sức khỏe của người khác không nhất thiết phải gây ra thương tích hay gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, mà có thể chỉ gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của cá nhân dưới 11% cũng được coi là hành vi xâm phạm sức khỏe.

      - Hành vi chiếm giữ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

      Chiếm giữ tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác chiếm hoặc giữ tài sản của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân, làm cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân không còn quản lý, sử dụng được tài sản đó nữa. Ví dụ: chiếm giữ tàu bay, tàu thủy, trụ sở của cơ quan, tổ chức; chiếm giữ ngôi nhà, một chiếc xe hơi, một chiếc tàu đánh cá,...

      - Hành vi làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân

      Làm hư hại tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần). Hành vi làm hư hại tài sản của người phạm tội khủng bố chủ yếu là xuất phát từ hành vi chiếm giữ tài sản nên làm cho tài sản đó bị hư hại. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người phạm tội đã có hành vi phá hỏng các tài sản mà mình đang chiếm giữ để khủng bố người có tài sản.

      b) Hậu quả

      Hậu quả của hành vi xâm phạm tính mạng, tự do thân thể, sức khỏe của người khác hoặc phá hủy, chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều luật, còn đối với trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì không là dấu hiệu bắt buộc.

      Ngoài các thiệt hại trực tiếp do các hành vi khách quan gây ra, đối với tội khủng bố còn có hậu quả và cũng là mục đích mà người phạm tội nhằm đến là “tình trạng hoảng sợ trong công chúng”, nhưng cũng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành vì người phạm tội chỉ nhằm gây ra, còn có gây ra được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, nếu người phạm tội đã gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng thì tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi khủng bố thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng rồi.

      c) Các dấu hiệu khách quan khác

      Ngoài hành vi khách quan, hậu quả nhà làm luật không quy định thêm dấu hiệu khách quan nào khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, khi xác định các dấu hiệu khách quan của tội khủng bố cần phân biệt một số tội phạm cũng có hành vi khách quan tương tự, phân biệt các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật để xác định đó là hành vi phạm tội khủng bố hay đó chỉ là hành vi của các tội tương ứng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn