Mặt khách quan của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 30/08/2016
Mặt khách quan của tội lạm dụng quyền hạn, chức vụ chiếm đoạt tài sản?
    • Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, dấu hiệu mặt khách quan cũng là những dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội cũng như để phân biệt tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác với các tội phạm khác có tính chất chiếm đoạt hoặc do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.

      a) Hành vi khách quan

      Trước hết người phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, phải là người có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình.

      Lạm dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản của người khác.

      Theo điều luật thì người có chức vụ, quyền hạn chỉ là chủ thể của tội phạm này khi họ lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà họ có. Vậy, nếu họ không lạm dụng mà chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác thì có phạm tội này hay không? Nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản ý là hành vi tham ô, nhưng nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do người khác quản lý thì có phạm tội không? Nếu có thì đó là tội gì?

      Lợi dụng và lạm dụng là hai thuật ngữ khác nhau, mặc dù trước đây được giải thích là một. Tuy nhiên, ranh giới giữa hành vi lợi dụng với hành vi lạm dụng không phải bao giờ cũng phân biệt một cách rạch ròi.

      Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trước đây được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 1985 thuộc nhóm tội có tính chất chiếm đoạt, nay quy định tại chương các tội phạm về chức vụ nhưng tính chất chiếm đoạt của hành vi phạm tội này vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, thủ đoạn chiếm đoạt của người phạm tội chủ yếu bằng hình thức công khai, trắng trợn, tức là hành vi chiếm đoạt gần như đối với trường hợp cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, cũng chính vì vậy mà tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135, nhà làm luật không quy định tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” hay “lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là yếu tố định khung hình phạt.

      Người có chức vụ, quyền hạn lạm dụng chức vụ, quyền hạn phải chiếm đoạt tài sản của người khác thì mới cấu thành tội này. Nếu không có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác, mà chỉ gây thiệt hại đến lợi ích của người khác thì tùy từng trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo Điều 282 Bộ luật hình sự, tội nhận hối lộ theo điểm b khoản 2 Điều 279 hoặc tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam, tạm giữ theo Điều 302 Bộ luật hình sự...

      b) Hậu quả

      Cũng như hậu quả cảu các tội phạm về chức vụ khác, hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

      Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, thiệt hại trước hết là thiệt hại về tài sản, ngoài ra còn có những thiệt hại khác phi vật chất.

      Hậu quả của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, xét về phương diện các yếu tố cấu thành tội phạm thì không phải dấu hiệu bắt buộc, tức là dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm.

      Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, nhà làm luật quy định chiếm đoạt từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn nếu chiếm đoạt dưới hai triệu đồng thì phải có thêm những điều kiện như: gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Quy định này không có nghĩa là trong mọi trường hợp người phạm tội phải chiếm đoạt được hai triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng kèm theo điều kiện thì mới cấu thành tội phạm, mà quy định này chỉ đối với trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt hai triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng và ngay cả với hai trường hợp này nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì hành vi của họ vẫn cấu thành tội phạm nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

      Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác cũng là tội có tính chất chiếm đoạt nên trong khi chưa có hướng dẫn chính tức về trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác, có thể tham khảo quy định liên quan đến các tội phạm có tính chất chiếm đoạt để xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn