Người phạm tội có được đặc xá dịp lễ 30/4 không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 13/03/2019

Tôi có thắc mắc này muốn hỏi mong Ban biên tập giải đáp giúp tôi. Cụ thể điều kiện để được đặc xá dịp lễ 30/4 được quy định như thế nào? Người phạm tội cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào để được đặc xá? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi, chân thành cảm ơn rất nhiều.

    • Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

      Đối tượng được đề nghị áp dụng biện pháp đặc xá bao gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Việc đặc xá thường diễn ra vào ngày lễ lớn của đất nước như ngày thống nhất đất nước 30/4 là một điển hình.

      Theo quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá 2007 thì người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

      - Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

      - Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân;

      - Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

      Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá 2007 thì người có đủ điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này không được đề nghị đặc xá trong các trường hợp sau đây:

      - Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

      - Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

      - Trước đó đã được đặc xá;

      - Có từ hai tiền án trở lên;

      - Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

      Để được đặc xá, người phạm tội cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau:

      - Đơn xin đặc xá.

      - Tài liệu chứng minh về cá nhân, hoàn cảnh gia đình của người được đề nghị đặc xá.

      - Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.

      - Cam kết không vi phạm pháp luật, tiếp tục chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác sau khi được đặc xá.

      - Văn bản đề nghị đặc xá của Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam.

      Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Đặc xá 2007, cụ thể như sau:

      1. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật, thông báo, niêm yết công khai danh sách người được đề nghị đặc xá tại trại giam, trại tạm giam và làm văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét.

      2. Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Giám thị trại tạm giam thuộc quân khu và tương đương có trách nhiệm rà soát, lập danh sách và hồ sơ người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật, báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh quân khu và tương đương. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh quân khu và tương đương xét duyệt danh sách, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét. Giám thị trại tạm giam thông báo, niêm yết công khai danh sách này tại trại tạm giam.

      3. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét hồ sơ đề nghị đặc xá được lập theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá để trình Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét.

      Sau đó, Hội đồng tư vấn đặc xá tổ chức thẩm định hồ sơ, danh sách do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình; lập danh sách người đủ điều kiện và danh sách người không đủ điều kiện đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

      Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Tư lệnh quân khu và tương đương có trách nhiệm:

      - Tổ chức công bố và thực hiện Quyết định đặc xá đối với người được đặc xá;

      - Cấp giấy chứng nhận đặc xá cho người được đặc xá;

      - Thông báo ngay bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được đặc xá về cư trú.

      Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn