Nhận tiền để mang thai hộ có vi phạm pháp luật không?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 21/01/2019

Anh chị cho em hỏi: Trường của em thường xuyên dán những mẫu quảng cáo trong nhà vệ sinh là tìm người mang thai hộ, trả tiền từng giai đoạn và khi sinh xong thì sẽ nhận 100% số tiền (số tiền rất lớn). Có một vài bạn sinh viên thử liên lạc thì những cặp vợ chồng hiếm muộn cũng như cò có liên hệ để thảo luận. Vậy việc mang thai vì tiền như vậy thì có vi phạm pháp luật không vì em thấy quá liều lĩnh, mong anh chị tư vấn giúp em.

Thảo (0903***)

    • Theo quy định tại Khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:

      Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

      Ngoài ra, việc mang thai hộ phải được tuân thủ chặt chẽ quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP.

      Theo đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

      Căn cứ theo quy định nêu trên thì những người mang thai hộ này được xem là mang thai hộ vì mục đích thương mại.

      Việc những cặp vợ chồng hiếm muộn thông qua "cò" để tìm người mang thai hộ và trả tiền cho người mang thai hộ theo từng giai đoạn là trái quy định của pháp luật và đối tượng tổ chức mang thai hộ, người mang thai hộ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015:

      1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

      a) Đối với 02 người trở lên;

      b) Phạm tội 02 lần trở lên;

      c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

      d) Tái phạm nguy hiểm.

      3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Như vậy, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội đối với 2 người trở lên; Phạm tội 2 lần trở lên; Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức hoặc Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

      Ban biên tập thông tin đến bạn!

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn