Nhặt được ví mà không trả

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 20/05/2019

Chào anh chị! Em có thắc mắc rất mong nhận được giải đáp tư vấn từ anh chị. Em có đứa em họ làm việc ở một cửa hàng trong trung tâm thương mại. Vừa rồi, nó có nhặt được một chiếc ví trong đó có số tiền là 5 triệu đồng cùng giấy tờ khác. Vì đang có việc cần tiền nên em họ em đã lấy số tiền đó rồi vứt cái ví vào sọt rác. Hôm sau, người chủ cái ví đến tìm và xem camera thì thấy em họ em lấy và đã báo công an. Mấy anh công an đã gọi em ấy lên làm việc và yêu cầu trả lại số tiền đã lấy cùng giấy tờ. Tiền thì em của em có thể trả lại nhưng giấy tờ thì nó không biết phải tìm lại ở đâu. Bây giờ em ấy phải làm thế nào ạ? Nó có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Mong anh chị tư vấn giúp. Em cảm ơn rất nhiều!

    • Dựa vào thông tin bạn cung cấp thì thông qua việc kiểm tra camera, chủ nhân chiếc ví và cơ quan công an đều xác định được em họ của bạn là người đã trực tiếp cầm giữ chiếc ví bị mất và có hành vi lấy vật trong ví ra. Do vậy, khi phát hiện tiền và giấy tờ tùy thân bị mất thì việc thông qua camera, việc mời em bạn phối hợp điều tra, xác minh sự việc đồng thời yêu cầu em bạn tìm giấy tờ tùy thân cho người chủ nhân chiếc ví là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, mặc dù theo thông tin, em bạn chỉ lấy tiền, và vứt bỏ chiếc ví với những giấy tờ tùy thân ở lại, nhưng rõ ràng không thể xác định chính xác em họ bạn chỉ lấy tiền, hay lấy cả tiền và giấy từ tùy thân nhưng có thể xác định em bạn là người đã tiếp xúc, chạm vào cái ví – nơi cất giữ giấy tờ tùy thân.

      Trong trường hợp này, em họ của bạn vẫn cần phối hợp với cơ quan điều tra để tìm lại giấy tờ tùy thân đã bị mất. Trong trường hợp không thể tìm lại được giấy tờ tùy thân đã bị mất, và xác định được em bạn không lấy những giấy tờ này thì sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với các giấy tờ tùy thân này. Người có những giấy tờ tùy thân này sẽ liên lạc với những cơ quan cấp các loại giấy tờ tùy thân để làm thủ tục cấp lại.

      - Còn về trách nhiệm pháp lý mà em họ của bạn phải chịu khi lấy số tiền trong ví:

      Trong trường hợp của bạn thì em của bạn nhặt được chiếc ví là tài sản bị đánh rơi . Căn cứ theo quy định tại Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì người phát hiện ra tài sản đánh phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Trong trường hợp người nhặt được không biết địa chỉ của chủ tài sản phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

      Cụ thể, trong trường hợp này, em đã nhặt và phát hiện được chiếc ví bị đánh rơi, bỏ quên tại cửa hàng trong trung tâm thương mại. Trong chiếc ví có giấy tờ tùy thân và tiền, và mặc dù không biết rõ về chủ nhân của chiếc ví bị đánh rơi thì thông qua giấy tờ tùy thân có trong ví, em họ của bạn vẫn có thể xác nhận được ai là chủ nhân của chiếc ví và có thể thông qua nhiều phương pháp để thực hiện việc tìm và giao nhận lại tài sản bị mất cho chủ nhân của nó.

      Tuy nhiên, em của bạn đã không liên lạc với chủ nhân của chiếc ví, cũng không giao nộp chiếc ví cho quản lý của trung tâm thương mại, hay bộ phận lễ tân, chăm sóc khách hàng để kịp thời thông báo đến cho người bị mất, mà lấy hết số tiền trong ví và vứt bỏ chiếc ví trong thùng rác.Như vậy, mặc dù biết rõ tài sản trong ví không thuộc về quyền sở hữu của mình, nhưng vẫn lấy, chiếm giữ trái phép tài sản này thì hành vi của em họ bạn được xác định là đang có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

      Đối với hành vi này, căn cứ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

      Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

      1, Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

      2, Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

      Căn cứ theo quy định trên thì đối với trường hợp bạn cung cấp, em của bạn đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, tuy nhiên số tiền bị chiếm giữ trái phép chỉ có giá trị 5 triệu, và không phải là di vật, cổ vật hay vật có giá trị văn hóa, lịch sử, do vậy, trong trường hợp này chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với em họ bạn. Tuy nhiên em họ vẫn phải chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện việc trả lại tài sản cho người bị mất.

      Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn