Nữ sinh viên bị chủ trọ quay lén khi đang tắm, xử lý sao?

Chưa có bản dịch tiếng Anh của bài viết này, nhấn vào đây để quay về trang chủ tiếng Anh There is no English translation of this article. Click HERE to turn back English Homepage
Ngày hỏi: 10/02/2017

Em đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, em thuê nhà trọ và ở một mình. Tháng trước, trong khi đang tắm bỗng thấy ở cửa thông gió có người đang cầm điện thoại quay em liền la lên. Sau đó, mọi người trong xóm trọ đuổi bắt thì biết đó là chủ nhà trọ. Em không chắc đây có phải là lần đầu tiên ông ta quay lén em tắm hay không? Nếu ông ta phát tán những clip đó hoặc sử dụng vào nhiều mục đích khác thì có thể bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? (Huyền Anh ).

    • Khoản 1, Điều 31 Bộ luật dân sự 2005 quy định “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Đối với hình ảnh của mình cá nhân có các quyền sau: Quyền được phép sử dụng hình ảnh của mình; quyền cho người khác sử dụng hình ảnh của mình; quyền được bảo vệ đối với hình ảnh của cá nhân trước những hành vi sử dụng hình ảnh trái phép.

      Chủ nhà trọ đã có hành vi quay lén bạn tức là đã sử dụng các hình ảnh của ban khi chưa được bạn đồng ý là hành vi trái pháp luật. Các bên có thể thỏa thuận để giải quyết vụ việc khi chủ nhà trọ chưa sử dụng hình ảnh đó để gây nên hậu quả nghiêm trọng.

      Nếu chủ nhà trọ quay phim vì có những mục đích cụ thể thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Võ Công Hạnh.

      Song trong từng trường hợp cụ thể, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi nếu chủ nhà trọ quay phim vì có những mục đích cụ thể thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh với người có hành vi này được xác định như sau:

      Nếu sử dụng những hình ảnh đó để nhằm mục đích truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thì người có hành vi này có thể bị kết án về “tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy” theo Điều 253 Bộ luật hình sự;

      Nếu sử dụng những hình ảnh đó để nhằm mục đích làm nhục họ thì người có hành vi này có thể phạm vào “tội làm nhục người khác” theo Điều 121 Bộ luật hình sự;

      Nếu sử dụng những hình ảnh đó để nhằm mục đích đe doạ chiếm đoạt tài sản của họ thì người có hành vi này có thể bị kết án về “tội cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 Bộ luật hình sự;

      Khi xảy ra các trường hợp trên nếu người bị hại chứng minh được quyền lợi bị thiệt hại, đời tư bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu khởi kiện để bồi thường thiệt hại khi đã xâm phạm đến quyền bí mật đời tư theo Điều 38, BLDS (thu thập hình ảnh khi chưa được sự đồng ý của chủ hình ảnh) hoặc yêu cầu khởi tố người phát tán để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn