Hành vi bạo lực gia đình với con của mình bị xử phạt hành chính như thế nào?

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 16/03/2023

Xin hỏi xử phạt hành chính thế nào với hành vi bạo lực gia đình với con của mình? - Câu hỏi của Minh Hưng (Bĩnh Dương).

    • Bạo lực gia đình là gì?

      Theo khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định như sau:

      Phạm vi điều chỉnh

      1. Luật này quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

      2. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

      Và từ ngày 01/07/2023, theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về định nghĩa bạo lực gia đình như sau:

      Giải thích từ ngữ

      Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

      1. Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

      ...

      Theo đó, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

      (Hình từ Internet)

      Hành vi bạo lực gia đình với con của mình bị xử phạt hành chính như thế nào?

      Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành chính về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:

      Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

      1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

      2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

      b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

      3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

      a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

      b) Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

      Ngoài ra, khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

      Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính

      ...

      2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

      Theo đó, nếu cha mẹ có hành vi bạo lực gia đình với con của mình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:

      - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

      - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

      + Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

      + Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

      Khi nào cha mẹ có hành vi bạo lực gia đình với con của mình bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

      Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cha mẹ có hành vi bạo lực gia đình với con của mình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi:

      - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của con cái mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên

      - Hoặc gây thương tích dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

      + Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

      + Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

      + Con cái là người dưới 16 tuổi hoặc không có khả năng tự vệ;

      + Có tổ chức;

      + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

      + Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

      + Thuê người để thực hiện hành vi bạo lực gia đình

      + Có tính chất côn đồ;

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn