Nguyên tắc xác lập hồ sơ và thời hạn giải quyết trong việc quản lý hồ sơ người có công

Bấm vào đây để xem bản dịch tiếng Anh của bài viết này Click HERE to see the English translation of this article
Ngày hỏi: 14/03/2022

Cho tôi hỏi, nguyên tắc xác lập hồ sơ và thời hạn giải quyết trong việc quản lý hồ sơ người có công như thế nào? Quản lý hồ sơ người có công được quy định như thế nào? Mong được hỗ trợ theo quy định mới nhất. 

    • Nguyên tắc xác lập hồ sơ và thời hạn giải quyết trong việc quản lý hồ sơ người có công

      Căn cứ vào Điều 126 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về nguyên tắc xác lập hồ sơ và thời hạn giải quyết trong việc quản lý hồ sơ người có công như sau:

      - Hồ sơ phải nộp của mỗi thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định này là 01 bộ.

      - Giấy tờ trong hồ sơ đề nghị phải là bản chính, trường hợp được sử dụng bản sao hoặc bản sao có chứng thực thì theo quy định cụ thể tại từng thủ tục hành chính.

      - Cách thức thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Nghị định này bằng hình thức trực tiếp hoặc bưu chính.

      - Trong thời hạn quy định tại Nghị định, nếu hồ sơ không đủ điều kiện xem xét, giải quyết thì cơ quan thụ lý hồ sơ phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

      - Hồ sơ người có công do các cơ quan, đơn vị chuyển đến ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện chế độ ưu đãi và hồ sơ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người có công thường trú quản lý và thực hiện chế độ là 01 bộ hồ sơ gốc theo quy định.

      Hồ sơ gốc là hồ sơ bao gồm các giấy tờ theo quy định do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền lập hoặc xác nhận lần đầu khi làm thủ tục công nhận, giải quyết chế độ ưu đãi người có công.

      Bản sao hồ sơ người có công đã được sử dụng làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất đối với thân nhân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì vẫn có giá trị thực hiện.

      Quản lý hồ sơ người có công

      Tại Điều 128 Nghị định 131/2021/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 15/02/2022) quy định về việc quản lý hồ sơ người có công như sau:

      - Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm:

      + Quản lý hồ sơ người có công đang tại ngũ, công tác.

      + Chỉ đạo việc cấp trích lục đối với trường hợp hồ sơ thương binh được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc).

      - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

      + Quản lý Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”.

      + Chỉ đạo việc cấp trích lục đối với trường hợp hồ sơ liệt sĩ được công nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước không đầy đủ theo quy định (do thất lạc).

      - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau:

      + Tiếp nhận, đăng ký quản lý hồ sơ người có công tại địa phương nơi thường trú.

      + Lập và cấp trích lục hồ sơ người có công theo quy định tại các Mẫu số 95, 96, 97, 98, 99.

      + Cập nhật thông tin về người có công và thân nhân đang quản lý vào cơ sở dữ liệu quốc gia về người có công.

      - Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo định kỳ hằng năm về số lượng người có công đang quản lý từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm theo Mẫu số 100 Phụ lục I Nghị định này gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

      - Công tác quản lý lưu trữ hồ sơ về người có công phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định của Luật Lưu trữ.

      - Hồ sơ người có công được bảo quản có thời hạn vĩnh viễn tại cơ quan có thẩm quyền quản lý tại Điều này.

      Trân trọng!

    Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của LawNet . Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email: nhch@lawnet.vn

    Căn cứ pháp lý của tình huống
    THÔNG TIN NGƯỜI TRẢ LỜI
    Hãy để GOOGLE hỗ trợ bạn